Đảm bảo chi trả đầy đủ chế độ cho công chức khi tinh gọn
Cán bộ, công chức, viên chức bày tỏ mong mỏi được đảm bảo chi trả đầy đủ chính sách, chế độ khi tinh gọn bộ máy.
Được đảm bảo đầy đủ chế độ, chính sách khi nghỉ việc do tinh gọn bộ máy là nguyện vọng của nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn
Chị Hoàng Thị Phương (tên nhân vật được yêu cầu được thay đổi) đang làm tại một đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Cơ quan này chuẩn bị kết thúc hoạt động trong thời gian tới. Việc này khiến cho chị Phương và các đồng nghiệp khác có nhiều tâm tư.
“Không chỉ tôi mà nhiều đồng nghiệp khác chỉ muốn có công việc ổn định, thu nhập đủ để trang trải cuộc sống. Nếu không làm ở đây thì tôi cũng ra làm ở bên ngoài, nhưng cảm giác lo lắng là không thể tránh khỏi” - chị Phương tâm sự.
Chồng chị Phương là dược sĩ kinh doanh thuốc ở một công ty dược phẩm tại huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Vợ chồng chị kết hôn cách đây không lâu. Căn nhà giá trị hơn 3 tỉ đồng vừa vay mượn ông bà đôi bên và tiền tiết kiệm của cả 2 vợ chồng mới trả được một nửa.
Hiện tại, chị Phương chưa biết mình sẽ làm công việc gì sau khi nghỉ ở cơ quan. Nữ viên chức dự tính số trợ cấp được nhận từ chính sách của Nhà nước để trả nợ và tìm kiếm công việc mới.
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sẽ có một lượng lớn lao động công dôi dư sau tinh gọn. Ảnh: Hải Nguyễn
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, sẽ có một lượng lớn lao động từ khu vực công dôi dư sau quá trình tinh gọn; việc chuyển dịch bộ phận lao động này sang khu vực tư là cần thiết, giúp tăng cường nguồn lực lao động cho khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy vậy, dù khu vực kinh tế tư nhân có nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng vẫn có những thách thức cho những người lao động nhiều năm gắn bó với khu vực công.
“Những người thực hiện các công việc giản đơn, không đúng ngành nghề thì việc tuyển dụng vẫn gặp khó khăn nên việc mỗi cá nhân tự mình vươn lên, thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh, thích ứng với điều kiện sản xuất của nền kinh tế là yếu tố quyết định đến việc họ được tiếp nhận ở những vị trí phù hợp, đúng ngành nghề đào tạo và đúng chuyên môn mà họ đã làm trong thời gian trước đây” - ông Thịnh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội. Ảnh: Văn Thắng
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) - cũng đề nghị, cần quan tâm, bổ sung các chính sách hỗ trợ cụ thể cho người ở khu vực công sẽ dôi dư hoặc chịu tác động trong thời gian tới.
Theo chuyên gia, trong các điều chỉnh của Luật Việc làm cần nói tới những lao động phải chuyển đổi việc làm để thiết kế các gói hỗ trợ chuyển đổi: Họ cần đào tạo để chuyển đổi; thứ 2 là cần một số vốn để khởi nghiệp, cho họ được vay vốn, thứ 3 là hệ thống thông tin thị trường việc làm, tư vấn tạo việc làm, cần ưu tiên cho họ.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định quan trọng về chế độ chính sách với cán bộ thôi việc và chế độ với cán bộ, công chức ảnh hưởng do tinh gọn bộ máy là: Nghị định số 177/2024/NĐ-CP; Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 179/2024/NĐ-CP.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng đã ký ban hành Thông tư số 01/2025 hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (hướng dẫn thực hiện Nghị định số 178/2024 của Chính phủ).
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1.2025 diễn ra vào ngày 5.2, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết: Trong 5 năm, dự kiến nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước chi trả chính sách, chế độ đối với các trường hợp nghỉ hưu và thôi việc vẫn thấp hơn nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước chi trả tiền lương và các khoản chi khác nếu họ tiếp tục làm việc. Như vậy chúng ta vẫn đảm bảo cân đối được nguồn để chi trả.
https://laodong.vn/thoi-su/dam-bao-chi-tra-day-du-che-do-cho-cong-chuc-khi-tinh-gon-1457658.ldo
HƯƠNG NHA (BÁO LAO ĐỘNG)