Dịch cúm bùng phát, Hà Nội ghi nhận 820 ca mắc
Trong tháng 1.2025, toàn Thành phố Hà Nội ghi nhận 820 ca mắc cúm, tăng 51 trường hợp (chiếm 6%) so với cùng kỳ năm 2024.
Ngày 11.2, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tháng 1.2025, toàn thành phố ghi nhận 820 trường hợp mắc cúm, tăng 51 trường hợp (6%) so với cùng kỳ năm 2024.
Cộng dồn năm 2024 đến nay, tổng số ca mắc cúm là 7.133 trường hợp, không ghi nhận trường hợp tử vong. Bệnh nhân cúm ghi nhận quanh năm, trong đó có xu hướng gia tăng từ tháng 12 đến tháng 5 hằng năm.
Cùng với cúm, tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận 13 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 4 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 137 trường hợp mắc, giảm so với cùng kỳ năm 2024.
Trong tuần, theo CDC Hà Nội có 4 ca mắc ho gà. Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 6 trường hợp, tăng 2 ca so với cùng kỳ.
Bệnh nhân tay chân miệng ghi nhận 10 trường hợp (tăng 1 ca so với tuần trước).
Trước tình hình nhiều bệnh vẫn diễn biến phức tạp, CDC Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị để điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lây lan rộng.
Trao đổi với Báo Lao Động, TS.BS Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, từ đầu tháng 2.2025 đến giờ, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận gần một trăm ca cúm A. Số lượng này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Thúy Hằng, trong đợt Tết vừa rồi, những người mắc cúm A chủ yếu là trẻ em và người cao tuổi. Những bệnh nhân cúm A phải nhập viện thường có biểu hiện bệnh nặng, biến chứng viêm phổi, đặc biệt là viêm phổi thùy.
"Thời gian vừa rồi, chúng tôi cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị viêm phổi thùy do cúm A gây ra. Với những trường hợp này, chúng tôi phải tiêm kháng sinh cho người bệnh. Biến chứng viêm phổi nếu không được phát hiện sớm sẽ gây ra biến chứng như xơ phổi, tổn thương phổi, việc điều trị rất khó khăn và lâu dài", Trưởng khoa Khám bệnh nói.
TS.BS Nguyễn Thị Thúy Hằng cũng khuyến cáo người dân khi có các triệu chứng về sốt, viêm đường hô hấp, hay các triệu chứng bất thường không hạ sốt được cần phải tới các cơ sở y tế để thăm khám để sàng lọc cúm A hoặc sởi, rubella để bệnh viện phân luồng khám riêng nhằm tránh lây lan.
"Tại Bệnh viện Xanh Pôn, chúng tôi có phân luồng khám riêng cho những bệnh nhân mắc cúm, để tránh lây lan sang các bệnh nhân khác. Chúng tôi cũng có những khu khám riêng cho bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt", TS Hằng cho hay.
https://laodong.vn/suc-khoe/dich-cum-bung-phat-ha-noi-ghi-nhan-820-ca-mac-1461524.ldo
ANH TUẤN (BÁO LAO ĐỘNG)