Thời sự
Cập nhật lúc 01:49 11/02/2025 (GMT+7)
Động lực từ "giao khoán" tăng trưởng GRDP cho từng địa phương

Năm 2025 là cột mốc quan trọng để Việt Nam bứt phá, hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, với mục tiêu GDP tăng trưởng từ 8% trở lên. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ tất cả các chủ thể trong nền kinh tế.

Động lực từ "giao khoán" tăng trưởng GRDP cho từng địa phương
Mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ các chủ thể trong nền kinh tế. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Tăng trưởng 8% trở lên khả thi nếu phát huy tốt các động lực

Trong báo cáo Đề án gửi tới Quốc hội, Chính phủ cho biết, năm 2025 tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).

Trao đổi với Lao Động, TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam - đánh giá, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025. Tuy nhiên, đây không phải là một mục tiêu dễ dàng đạt được, mà đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ các chủ thể trong nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, cần phải xác định rõ các động lực quan trọng có thể thúc đẩy tăng trưởng.

"Đầu tiên, phải nói đến đầu tư công. Đây là một trong những động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo ước tính của Bộ Tài chính, đến ngày 31.1.2025, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 84,47% kế hoạch, bằng 93,06% so với mức Thủ tướng Chính phủ giao, điều này có nghĩa là chưa đạt được chỉ tiêu (95% trở lên). Trong bối cảnh này, ngay từ những ngày đầu năm 2025 chúng ta phải có kế hoạch để giải ngân được nguồn vốn dồi dào lên tới 790.727 tỉ đồng, tránh tình trạng "đầu năm thong thả, cuối năm chạy nước rút".

Để làm được điều này, cần khẩn trương thực hiện các công việc chuẩn bị như giải phóng mặt bằng, phân bổ vốn từ đầu năm. Tăng cường trách nhiệm và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và các chủ đầu tư từ đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công" - TS Lê Duy Bình phân tích.

Ông Bình nói thêm, Luật Đầu tư công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, tính linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công, chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Đây sẽ là một động lực lớn để có thể đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Song song với việc đẩy mạnh đầu tư công cần huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân một cách hiệu quả.

Tiêu dùng nội địa cũng là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy doanh thu dịch vụ và bán lẻ nội địa. Tiếp đến là xuất khẩu - một trong những nguồn thu ngoại tệ quan trọng và là động lực chủ yếu cho nền kinh tế.

Mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ các chủ thể trong nền kinh tế (ảnh minh họa). Ảnh: Hải Nguyễn
Mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ các chủ thể trong nền kinh tế (ảnh minh họa). Ảnh: Hải Nguyễn

"Giao khoán" tăng trưởng GRDP cho từng địa phương

Nghị quyết 25 ban hành ngày 5.2 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành riêng một nghị quyết giao chỉ tiêu tăng trưởng đối với 12 ngành, lĩnh vực và 63 địa phương, cho thấy quyết tâm rất cao trong việc phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên.

Theo Nghị quyết 25, có 18/63 địa phương được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số và không có địa phương nào tăng trưởng dưới 8%. Hai "đầu tàu" kinh tế là Hà Nội và TPHCM được giao mức tăng trưởng lần lượt là 8% và 8,5%. Bắc Giang là địa phương được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng GRDP cao nhất năm 2025 với 13,6%, tiếp đến là Ninh Thuận với 13%.

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng đánh giá, Nghị quyết 25 đã cho thấy sự tập trung vào việc đẩy mạnh phát triển mạnh hơn nữa ở những khu vực có tiềm năng. Các tỉnh, thành phố có khả năng và tiềm năng phát triển sẽ được khuyến khích phấn đấu hơn nữa để đóng góp vào mục tiêu chung của cả nước. Nội dung không có địa phương nào tăng trưởng dưới 8% đã đặt ra yêu cầu cao hơn cho tất cả các địa phương bắt buộc phải cải cách, sáng tạo và tìm kiếm các giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế.

“Việc giao khoán chỉ tiêu tăng trưởng GRDP cho từng địa phương sẽ tạo ra áp lực và động lực lớn hơn cho các địa phương trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung” - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương các chỉ tiêu, mục tiêu đưa ra tại Nghị quyết 25 đã được xem xét, rà soát kỹ lưỡng; phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, chứ không áp đặt cứng nhắc cho từng địa phương, ngành, lĩnh vực.

"Để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, cần có quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, gấp đôi gấp ba trước đây. Mỗi cá nhân, đơn vị phải làm việc với năng suất gấp đôi hiện nay thì mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng mới" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

https://laodong.vn/kinh-doanh/dong-luc-tu-giao-khoan-tang-truong-grdp-cho-tung-dia-phuong-1461266.ldo

TUYẾT LAN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: