Hà Nội sắp kiểm soát vùng phát thải thấp theo các vành đai
Hà Nội - Quý III/2025 thành phố sẽ chuẩn hóa hệ thống vùng phát thải thấp theo vành đai vì phương tiện giao thông là nguồn phát thải gây ô nhiễm từ 54-75%.
Ông Dương Đức Tuấn cho biết theo lộ trình, vào quý III năm 2025, Hà Nội sẽ chuẩn hóa hệ thống vùng phát thải thấp. Ảnh: VGP
Chiều 15.7, Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô".
Tại tọa đàm, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - đã thông tin về kế hoạch triển khai của Hà Nội để sớm đưa các quy định của Luật Thủ đô đi vào cuộc sống.
Theo ông Dương Đức Tuấn, triển khai Luật Thủ đô năm 2024 của Quốc hội, vào cuối năm 2024, thành phố ban hành một nghị quyết quy định vùng phát thải thấp và cũng xác định các quy trình, quy định liên quan tới thiết lập vùng phát thải thấp.
Thời điểm đó liên quan chủ yếu tới một số cơ sở là các quận trước đây thí điểm vùng phát thải thấp như quận Ba Đình, Hoàn Kiếm. Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12.7.2025 cũng như Luật Thủ đô thì TP Hà Nội sẽ kiện toàn lại nội dung này.
Theo lộ trình, vào quý III/2025, TP Hà Nội sẽ chuẩn hóa hệ thống vùng phát thải thấp. Theo đó, phải kiểm soát theo các vành đai: Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3.
Phó Chủ tịch Hà Nội lấy ví dụ như Vành đai 1, trước đây có 5 quận là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ.
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, 5 quận hình thành 9 phường. 9 phường đều kiểm soát trong khu vực Vành đai 1.
Vành đai này có quy mô khoảng 31 km2, dân số khoảng 600.000 người. Chắc chắn đây là một vùng phát thải thấp kiểm soát nghiêm ngặt.
Và sau đó thành phố sẽ mở rộng ra Vành đai 2, Vành đai 3, đồng bộ với Chỉ thị 20. Đó là triển khai Luật Thủ đô và tiếp theo việc xác định vùng phát thải thấp là sẽ quy định đồng bộ các nội dung liên quan tới tác nhân phát thải, đặc biệt là kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân toàn diện, toàn bộ để tạo lập một vùng phát thải thấp.
Tuy nhiên, các nguồn phát thải đều được kiểm soát chặt chẽ, kể cả sản xuất công nghiệp, ngay cả việc đốt rơm, đốt rạ. Trước đây, thành phố Hà Nội còn có tình trạng sử dụng than tổ ong, ngày nay đã xử lý hết 100% than tổ ong.
Với nội dung về ô nhiễm môi trường sinh ra từ rác thải, vệ sinh môi trường, ô nhiễm môi trường từ những chất thải rắn độc hại, ô nhiễm môi trường các dòng sông, ao hồ... cũng đều là những nguyên nhân và sẽ phải xử lý.
Theo lãnh đạo TP Hà Nội, phương tiện giao thông là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí từ khoảng 54% đến 75%.
"Chúng tôi tính trung bình là khoảng 60%. Phải có quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm soát xe cũ, rồi điều kiện phát thải theo từng ngưỡng. Đây là nhiệm vụ cùng với quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí được xác định trong quá trình xây dựng vùng phát thải thấp, chống ô nhiễm", ông Dương Đức Tuấn thông tin.
Chỉ thị số 20/CT-TTg yêu cầu Hà Nội quyết liệt triển khai các vấn đề cấp bách như: Lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp; tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng trên các tuyến, kết nối địa bàn trọng điểm, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện.
Đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng...
https://laodong.vn/thoi-su/ha-noi-sap-kiem-soat-vung-phat-thai-thap-theo-cac-vanh-dai-1540547.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)