Thời sự
Cập nhật lúc 04:54 10/02/2025 (GMT+7)
Những điều tích cực khi thực hiện nghiêm quy định mới về dạy thêm

Thông tư số 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định về dạy thêm học thêm đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận xã hội.

Những điều tích cực khi thực hiện nghiêm quy định mới về dạy thêm
Theo Thông tư 29, với học sinh tiểu học thì không được dạy thêm các môn văn hóa, chỉ được bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao và rèn luyện kĩ năng sống. Ảnh: Bích Hà

Dạy thêm học thêm là nhu cầu có thật, chính đáng của cả người dạy và người học. Bộ GDĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận, trước đây công tác quản lý nhà nước về dạy thêm, học thêm còn chưa đủ chặt chẽ, gây ra những bức xúc trong dư luận xã hội.

Ví dụ như không có biện pháp quản lý chương trình dạy thêm, mức thu học phí; nguồn thu nhập của giáo viên từ việc dạy thêm không được kiểm soát, ít được kê khai và đóng thuế thu nhập cá nhân; có tình trạng học sinh bắt buộc đi học thêm mới đủ kiến thức để làm bài kiểm tra, tăng thêm áp lực cho học sinh và gánh nặng tài chính cho phụ huynh.

Vì thế Thông tư 29 ra đời với rất nhiều điểm tiến bộ, bỏ tư duy "không quản được thì cấm” trong quản lý dạy thêm học thêm. Nếu “đi vào cuộc sống” và thực hiện một cách nghiêm túc, sẽ ảnh hưởng tích cực đến chất lượng giáo dục, điều chỉnh hành vi của học sinh và giáo viên.

Những điểm mới cần lưu ý

Thông tư quy định, với học sinh tiểu học thì không được dạy thêm các môn văn hóa. Thông tư cũng nghiêm cấm dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền với học sinh đang được phân công dạy theo kế hoạch giáo dục của trường. Tức là giáo viên cấp THCS, THPT được kèm cặp, phụ đạo thêm cho học sinh của mình, nhưng không thu tiền.

Ngoài ra, nếu giáo viên muốn dạy thêm thì phải thực hiện đăng ký kinh doanh, được ngành chức năng kiểm tra, cấp phép đủ điều kiện (điều kiện về phòng học, chương trình giảng dạy, phòng cháy chữa cháy…). Các khoản thu nhập từ hoạt động dạy thêm sẽ phải đóng thuế theo quy định của pháp luật.

Một điểm mới nữa của Thông tư là việc dạy thêm học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh. Việc dạy thêm chỉ dành cho học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ I liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của trường.

Ảnh hưởng tích cực của Thông tư 29

Thông tư 29, nếu được thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần giảm tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan. Khi dạy thêm được kiểm soát chặt chẽ, giáo viên sẽ phải tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa, tránh tình trạng "dạy ít trong lớp, dạy nhiều ngoài lớp". Việc này cũng đảm bảo công bằng hơn trong học tập. Học sinh không có điều kiện đi học thêm vẫn có thể tiếp cận đủ kiến thức từ chương trình chính khóa.

Đặc biệt, việc này sẽ góp phần hạn chế áp lực học tập. Học sinh không còn bị ép buộc học thêm dưới nhiều hình thức, giúp giảm căng thẳng và có thời gian phát triển kỹ năng khác.

Thông tư 29 cũng tạo cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp dạy thêm sai quy định, thay đổi tư duy của phụ huynh, học sinh về việc học thêm không phải là con đường duy nhất để đạt điểm cao.

Giải pháp để quản lý dạy thêm học thêm đạt hiệu quả

Thông tư có nhiều điểm tiến bộ, nhưng nếu chất lượng giảng dạy trên lớp của giáo viên không được cải thiện, chương trình học không giảm tải, việc kiểm tra đánh giá vẫn nặng về kiểm tra kiến thức…, thì học sinh vẫn phải tìm cách học thêm (dưới dạng học online, gia sư…). Như thế có thể làm tăng áp lực cho học sinh và phụ huynh.

Làm sao để thông tư dạy thêm học thêm “đi vào cuộc sống” một cách có hiệu quả? Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam đề xuất một số giải pháp.

Đầu tiên, cần phải đảm bảo việc kiểm tra, đánh giá, thi cử đổi mới một cách thực chất, giảm áp lực. Nếu không thay đổi mà vẫn tiếp cận kiểm tra, đánh giá dựa chủ yếu vào nội dung, ghi nhớ kiến thức thì nhu cầu học thêm và lạm dụng học thêm vẫn chưa thể dứt điểm.

Thứ hai, phải đảm bảo giáo viên "sống" được bằng lương, trả mức lương tương xứng để giáo viên yên tâm với nghề, không chân trong chân ngoài dạy chính, dạy thêm.

Đặc biệt, khi việc dạy thêm bị kiểm soát chặt chẽ, học sinh không thể trông chờ vào việc “học thêm để hiểu bài”, mà phải chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức. Gia đình, nhà trường phải rèn luyện cho trẻ kỹ năng tự học. Bởi bồi dưỡng năng lực tự học là cách tốt nhất để tạo ra động lực mạnh mẽ cho quá trình học tập, giúp các em phát triển tư duy độc lập, kỹ năng tự nghiên cứu – những yếu tố quan trọng để thành công trong học tập và cuộc sống sau này.

https://laodong.vn/giao-duc/nhung-dieu-tich-cuc-khi-thuc-hien-nghiem-quy-dinh-moi-ve-day-them-1461007.ldo

BÍCH HÀ (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: