Thanh tra mà báo trước, doanh nghiệp không "vở sạch chữ đẹp mới lạ"
Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thanh tra theo kế hoạch không hiệu quả bởi thanh tra mà báo trước thì doanh nghiệp không "vở sạch chữ đẹp mới lạ".
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TPHCM) góp ý về dự án Luật Thanh tra sửa đổi. Ảnh: Phạm Đông
Từ vụ lòng xe điếu, đại biểu nói về thanh tra đột xuất
Chiều 8.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Phát biểu ý kiến, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TPHCM) cho biết, công tác thanh tra đôi khi vẫn phải chạy theo vụ việc, chưa xứng tầm, chưa đáp ứng được mong đợi của người dân.
Dự thảo luật hiện đề xuất thay đổi các cấp thanh tra, bỏ thanh tra sở, cấp quận huyện. Như vậy, 2 cấp còn lại gồm Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh phải lo hết công việc còn lại.
Với kinh nghiệm làm việc ở Sở Y tế 10 năm, đại biểu cho biết, Thanh tra Sở Y tế chỉ ở sở, còn công việc ở quận huyện, các nhà thuốc thì quận huyện mới nắm được.
"Trong khi đó thanh tra chỉ chờ khi có chuyện gì tố cáo, khiếu nại mới xuống, sẽ không kịp thời. Lâu lâu chúng ta mới tập hợp lực lượng đi kiểm tra liên ngành, đi một đợt xong ai về nhà đấy thì rất hạn chế về mặt chuyên môn và tinh thần", đại biểu nói.
Đại biểu bày tỏ lo ngại khi tập trung lực lượng ở tỉnh/thành phố rồi khi có lệnh tập hợp mới đi kiểm tra thì mất nhiều thời gian, vất vả. Trong khi đó, người dân rất ít phân biệt được đâu là lực lượng thanh tra, đâu là kiểm tra.
Đại biểu cho biết, ngày 7.5 đã đề xuất lên UBND thành phố ký xử phạt một trường hợp pha chế chất phụ gia sử dụng nguyên liệu quá hạn với mức xử phạt 3 tỉ đồng.
Theo đại biểu, việc thanh tra theo kế hoạch không có hiệu quả. Trong đó lập kế hoạch trong năm sẽ thanh tra những đơn vị nào đó, đến gần ngày gửi thư đến đơn vị chuẩn bị thanh tra. "Khi thanh tra mà báo trước như thế rồi thì doanh nghiệp, cơ sở đó không vở sạch chữ đẹp mới là lạ. Cũng có những trường hợp vẫn trây ì, vẫn vi phạm như thường", đại biểu nói.
Ngược lại, đại biểu Đoàn TPHCM cho rằng thanh tra đột xuất mới thể hiện nghề của thanh tra, khi đi đột xuất là phát hiện vi phạm. Sau khi thanh tra về sẽ làm báo cáo gửi thanh tra thành phố lý do thanh tra, nắm được những thông tin gì chứ không phải do ghét mới thanh tra.
Đại biểu dẫn chứng vụ lòng xe điếu vừa qua chỉ cần cơ quan chức năng tuyên bố cho đi kiểm tra, thông tin cho báo chí giật tít lên thì đi đến đâu, quán cũng trả lời "em hết lòng rồi".
Đại biểu nhấn mạnh phải làm thế nào để các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên thị trường luôn luôn lơ lửng trên đầu một nguy cơ bị thanh tra, kiểm tra bất cứ lúc nào, phải sợ chuyện đó.
Tăng tính độc lập, khách quan trong hoạt động thanh tra
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, việc sắp xếp lại tổ chức hệ thống cơ quan thanh tra giúp tăng tính độc lập và khách quan trong hoạt động thanh tra, đặc biệt là trong các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng hoặc vi phạm trong nội bộ ngành.
Khi không còn chịu sự chi phối trực tiếp từ bộ chủ quản, thanh tra sẽ có điều kiện hoạt động công minh, minh bạch hơn.
Việc thống nhất đầu mối quản lý giúp giảm thiểu sự chồng chéo giữa các đoàn thanh tra khác nhau và kiểm toán, tạo thuận lợi cho đối tượng thanh tra, nhất là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, theo đại biểu, khi tách thanh tra ra khỏi các bộ, có thể phát sinh tình trạng thiếu kết nối thông tin giữa cơ quan thanh tra và bộ quản lý chuyên ngành.
Vì vậy, cần xác lập cơ chế phối hợp rõ ràng, thường xuyên và chặt chẽ giữa Thanh tra Chính phủ và các bộ chuyên ngành, bảo đảm chia sẻ thông tin, dữ liệu, văn bản hướng dẫn cũng như hỗ trợ nghiệp vụ liên ngành.
Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ thanh tra chuyên ngành tại Thanh tra Chính phủ có chuyên môn sâu, thông qua việc biệt phái, luân chuyển cán bộ từ các bộ sang, hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành định kỳ.
https://laodong.vn/thoi-su/thanh-tra-ma-bao-truoc-doanh-nghiep-khong-vo-sach-chu-dep-moi-la-1503593.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)