Thời sự
Cập nhật lúc 03:05 19/02/2025 (GMT+7)
Thời điểm hợp lý để đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm

Đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tiết kiệm một lần nữa được đưa ra, làm dấy lên nhiều tranh cãi về tính hợp lý và tính tác động.

Thời điểm hợp lý để đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm
Chuyên gia cảnh báo rủi ro từ đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Ảnh: Hài Nguyễn.

Chuyên gia cảnh báo rủi ro từ đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi

Trao đổi với Lao Động, TS. Châu Đình Linh - giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM - cho biết, trước khi bàn đến đánh thuế lãi tiền gửi, cần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác như điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, rà soát lại bậc thuế thu nhập cá nhân và mở rộng diện chịu thuế đối với những tài sản có giá trị lớn như sim số đẹp, biển số xe.

Việc đánh thuế lãi tiền gửi có thể phù hợp với các nước phát triển, nơi thị trường tài chính đã hoàn thiện và chính phủ khuyến khích dòng tiền chảy vào đầu tư, tiêu dùng thay vì tiết kiệm. Một số quốc gia cũng áp thuế nhưng chỉ đối với các khoản tiết kiệm trên một mức nhất định để định hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc lớn vào ngân hàng. Tiền gửi tiết kiệm không chỉ là kênh tích lũy cá nhân mà còn là nguồn vốn để ngân hàng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa đủ hấp dẫn và an toàn để thay thế hoàn toàn kênh tiết kiệm.

TS Linh nói: "Nếu áp thuế, dòng tiền có thể chảy vào vàng, bất động sản hoặc các kênh đầu cơ khác, gây mất cân đối thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, lãi suất thực nhận vốn đã không cao do lạm phát, nếu bị đánh thuế, tiết kiệm sẽ càng kém hấp dẫn, có thể khiến người dân rút vốn khỏi hệ thống ngân hàng".

Cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi điều chỉnh chính sách

Chuyên gia tài chính Châu Đình Linh khẳng định, mục tiêu của chính sách thuế là đảm bảo nguồn thu ngân sách, nhưng đồng thời cũng phải duy trì ổn định tài chính và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm vào thời điểm này có thể làm giảm động lực gửi tiền, gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng trong việc huy động vốn và ảnh hưởng đến dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế.

Việc mở rộng cơ sở thuế là xu hướng tất yếu, nhưng không thể nóng vội áp dụng khi thị trường tài chính Việt Nam chưa thực sự sẵn sàng.

"Chính sách này có thể khả thi trong tương lai khi hệ thống tài chính phát triển đồng bộ hơn, nhưng ở thời điểm hiện tại, chúng ta cần có đánh giá cẩn trọng để tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế" - TS Linh nói.

Đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm gây tranh cãi

UBND TP Cần Thơ đề xuất chỉ miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ lãi tiền gửi có quy mô nhỏ, trong khi các khoản lãi tiền gửi lớn cần đưa vào diện chịu thuế nhằm mở rộng nguồn thu ngân sách.

Ngược lại, tỉnh Ninh Thuận cho rằng cần tiếp tục miễn thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu Chính phủ và các khoản đầu tư dài hạn nhằm khuyến khích tiết kiệm và đảm bảo dòng vốn cho nền kinh tế.

Bộ Tài chính chưa đưa ra phương án cụ thể nhưng khẳng định mọi thay đổi chính sách thuế cần được xem xét cẩn trọng để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tài khóa và sự ổn định thị trường tài chính.

https://laodong.vn/kinh-doanh/thoi-diem-hop-ly-de-danh-thue-lai-tien-gui-tiet-kiem-1465420.ldo

Minh Ánh (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: