Trình 6 nhóm chính sách đặc thù phát triển đường sắt đô thị
Dự thảo Nghị quyết nêu 6 nhóm chính sách đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại 2 thành phố Hà Nội và TPHCM.
Ngày 10.2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên toàn thể mở rộng về Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM.
Đây là Nghị quyết quan trọng nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất.
Đồng thời, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho 2 thành phố hiện thực hóa các Nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
Theo đó, Dự thảo Nghị quyết nêu 6 nhóm chính sách đặc thù gồm: Huy động nguồn vốn; Trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; Phát triển đô thị theo mô hình TOD; Phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; Chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; Các quy định áp dụng riêng cho TPHCM.
Trong đó, đối với nhóm chính sách về huy động vốn quy định: Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, Thủ tướng Chính phủ được quyền quyết định việc cân đối, bố trí kế hoạch hằng năm số vốn ngân sách Trung ương bổ sung tối đa 215.350 tỉ đồng cho TP Hà Nội và 209.500 tỉ đồng cho TPHCM
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đồng thời, cho phép huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không phải lập đề xuất dự án; HĐND thành phố có trách nhiệm bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn; UBND thành phố được bố trí vốn để triển khai trước một số công việc phục vụ cho dự án.
Thảo luận về nội dung này, đa số các đại biểu cho rằng, cần thiết áp dụng các chính sách đặc thù trong Nghị quyết của Quốc hội cho việc đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị, bởi đây là trục “xương sống” của hệ thống vận tải công cộng của 2 thành phố.
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ làm rõ ưu, nhược điểm chính sách về phát triển đô thị theo mô hình TOD (giao thông công cộng).
Một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cần khuyến khích đấu thầu thay vì áp dụng chính sách chỉ định thầu để phù hợp với tình hình hiện nay.
Bên cạnh đó, các đại biểu nhấn mạnh, cần đánh giá việc ưu tiên phân bổ nguồn lực gồm ngân sách Trung ương, tăng thu tiết kiệm chi, nguồn vốn ODA… để các quy định không trùng nhau.
Đồng thời, đề nghị không quy định cứng về tài chính, nguồn tiền mà chỉ quy định các nguồn lực ưu tiên.
https://laodong.vn/thoi-su/trinh-6-nhom-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-duong-sat-do-thi-1461056.ldo
THU GIANG (báo lao động)