Chỉ đạt được ước mơ nếu lao động quên mình
Đó là thông điệp của đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ đẩy mạnh học tập suốt đời trong công nhân lao động 100 cán bộ công đoàn cơ sở kiêm nhiệm (không hưởng lương ngân sách) diễn ra tại Thành phố Đà Nẵng ngày 30/11/2024.
Cùng dự Hội nghị có các đồng chí: Vũ Thị Giáng Hương - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam; Đinh Thị Thanh Hà - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Đà Nẵng.
Học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Đối với công nhân lao động, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã hướng dẫn các cấp công đoàn cả nước triển khai bằng nhiều hoạt động thiết thực để đạt các mục tiêu như: Đối với mục tiêu về chính trị - pháp luật, phấn đấu đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 90% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công nhân lao động, gắn với những nội dung lý luận về chức năng, nhiệm vụ của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Mục tiêu về kỹ năng nghề nghiệp là phấn đấu đến năm 2025 đạt 50%, đến năm 2030 đạt 75% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề. Mục tiêu về kỹ năng sống là phấn đấu đến năm 2025 đạt 50%, đến năm 2030 đạt 75% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập các nội dung giáo dục kỹ năng sống. Mục tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số là phấn đấu đến năm 2025 đạt 40%, đến năm 2030 đạt 65% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được phổ biến về công nghệ thông tin, công nghệ số. Mục tiêu về mô hình học tập là phấn đấu đến năm 2025 đạt 30%, đến năm 2030 đạt 50% công nhân lao động tại các doanh nghiệp đạt danh hiệu “Công dân học tập”.
Khẳng định học tập suốt đời là quá trình tích lũy kinh nghiệm hàng ngày, là sự nỗ lực liên tục của mỗi cá nhân, tận dụng mọi cơ hội học tập, giúp công nhân lao động thêm cơ hội có việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam gợi ý một số nội dung học tập phù hợp với công nhân như: Học kiến thức phổ thông – tri thức nền tảng để đi lên; Học kiến thức pháp luật – lá chắn bảo vệ quyền lợi người lao động; Học kiến thức xã hội – nền tảng cho cuộc sống văn minh; Học kỹ năng sống – chìa khóa góp phần mở cánh cửa thành công; Học nghề, nâng cao tay nghề - tăng cơ hội có việc làm bền vững; Học tin học – tăng lợi thế khi tìm việc làm và giữ vững nghề nghiệp; Học ngoại ngữ - tăng cơ hội làm việc trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng gợi ý một số hình thức và phương pháp giúp công nhân học tập hiệu quả như tự học; học có người hướng dẫn (thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp…); học từ xa theo các chương trình online qua internet; vừa học vừa làm/vừa làm vừa học (học theo lớp ngoài giờ làm việc); học tại nơi làm việc, học tại các cơ sở văn hóa cộng đồng, học tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở đào tạo nghề…; học tập linh hoạt theo phương châm “cần gì học nấy”.
Đối với cán bộ công đoàn, đồng chí Ngọ Duy Hiểu yêu cầu về tính chủ động, tích cực tự học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao ý thức chính trị, pháp luật, kỷ luật lao động, tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống, kỹ năng số để trở thành “Công dân học tập”. Bên cạnh đó là tuyên truyền nâng cao nhận thức của đoàn viên, công nhân lao động về học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập; vận động, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động tạo điều kiện để công nhân lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời, phối hợp với người sử dụng lao động trong việc đào tạo nghề cho công nhân lao động mới; vận động công nhân tham gia các phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi.
Để tạo động lực và truyền cảm hứng học tập cho công nhân, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định: “Khi trình độ, kỹ năng, hiểu biết được nâng lên, chúng ta có nhiều cơ hội thuận lợi hơn khi tìm việc làm, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, chất lượng cuộc sống tốt hơn, góp phần hoàn thiện bản thân, hoàn thiện nhân cách, năng động, sáng tạo, tự tin và không phụ thuộc vào người khác”.
Cán bộ công đoàn cơ sở tham gia trao đổi tại Hội nghị
Trong khuôn khổ Hội nghị, đồng chí Ngọ Duy Hiểu truyền đạt chuyên đề “Kỹ năng thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động” qua đó, giúp cán bộ công đoàn cơ sở nắm chắc và có kỹ năng, phương pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động trong hoạt động công đoàn
Được biết, Hội nghị diễn ra trong hai ngày (29-30/11/2024) và là hoạt động thực hiện Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030”.
NGỌC TÚ