Vì sao các thế lực thù địch nhằm vào công nhân lao động để chống phá?
“Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển”(1); “… giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…”(2). Việc các đối tượng cơ hội, bất mãn về chính trị và các thế lực thù địch nhằm vào công nhân để kích động, tập hợp, lôi kéo và triển khai các hoạt động chống phá là trực diện phá hoại nền kinh tế, làm cho nền kinh tế thị trường phát triển chệch hướng XHCN. Bên cạnh đó, tác động đến giai cấp công nhân cũng chính là tác động trực diện đến Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam.
Cả nước hiện nay có hơn 14,5 triệu công nhân làm công, hưởng lương trong các doanh nghiệp, hợp tác xã; chiếm khoảng 14% dân số, 27% lực lượng lao động. Bên cạnh nhiều yếu tố tích cực khẳng định vai trò, vị thế chính trị của mình, đội ngũ công nhân nước ta cũng đang tồn tại không ít hạn chế như trình độ nhận thức, ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; việc làm thiếu bền vững, thu nhập chưa cao, đời sống khó khăn. Nhiều vấn đề bức xúc của công nhân chậm được giải quyết như nhà ở, thiết chế sinh hoạt, nhà trẻ, trường học, thu nhập, tính bền vững của việc làm…. Mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động còn khoảng cách; các cuộc đình công trái pháp luật tiếp tục diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại cơ sở; công nhân sa vào “tín dụng đen” và các hành vi vi phạm pháp luật có xu hướng tăng. Tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động chưa có mặt phức tạp hơn;…
Nắm bắt được tâm lý của số đông công nhân là chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, đời sống cụ thể trước mắt, ít quan tâm đến những vấn đề cơ bản, lâu dài, các đối tượng cơ hội, bất mãn về chính trị và các thế lực thù địch tìm cách xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phủ nhận, bóp méo bản chất giai cấp công nhân của Đảng; khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động…
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Hoạt động chống phá của các đối tượng chủ yếu tập trung vào thời điểm diễn ra các sự kiện thời sự, chính trị của đất nước, của tổ chức Công đoàn Việt Nam hoặc thời điểm dễ xảy ra các vụ, việc phức tạp, nhạy cảm trong công nhân lao động. Lợi dụng việc doanh nghiệp chưa tăng lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước, ép sản lượng công việc cao, thưởng tết chưa theo yêu cầu; nhiều phát sinh mâu thuẫn trong văn hóa giao tiếp, ứng xử giữa quản lý với công nhân... để kích động tụ tập đông người, kéo đi khiếu kiện, đình công. Khi công đoàn, các sở, ban, ngành chức năng tại địa phương nỗ lực thương lượng, đối thoại với người sử dụng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân thì chúng trắng trợn rêu rao cho rằng “công đoàn mờ nhạt”, “chính quyền cứng nhắc” trong giải quyết quyền lợi cho người lao động. Không chỉ dừng lại ở đó, chúng luôn tìm cách lan rộng việc đình công, ngừng việc tập thể đòi quyền lợi của công nhân sang các doanh nghiệp và địa phương khác, làm gia tăng mức độ phức tạp của tình hình, gây mất an ninh trật tự(3).
Sau 4 năm chìm trong đại dịch và xung đột chính trị làm gia tăng nhiều bất ổn: lạm phát, nợ công tăng cao nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm việc làm, cắt giảm lao động nên việc bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động đang là khó khăn chung của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bất chấp cả thực tế khách quan ấy, các thế lực thù địch, không thiện chí với thể chế đã lan truyền trên không gian mạng luận điệu cho rằng Công đoàn Việt Nam hiện nay “bỏ mặc, không còn quan tâm tới đấu tranh đòi quyền lợi, không đòi tăng lương cho người lao động mà chỉ quan tâm kết nạp đoàn viên công đoàn”.
Trước những vụ, việc cụ thể như Liên đoàn Lao động Thành phố Đà Nẵng, Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng khởi kiện Công ty CP Dệt Hòa Khánh - Đà Nẵng đòi quyền lợi về tiền lương, trợ cấp thôi việc cho 62 người lao động được dư luận xã hội đánh giá cao. Thế nhưng, chúng lại đưa ra luận điệu xuyên tạc rằng “Nhà cầm quyền Việt Nam có thể muốn lợi dụng chiến thắng của công nhân Đà Nẵng để chứng tỏ rằng Công đoàn của nhà nước đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi người lao động”. Mưu đồ thâm độc của chúng là làm xói mòn lòng tin của đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ vào tổ chức đại diện của mình.
Những chiêu trò chống phá ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đó là: sức lôi kéo, kích động tạo ra các nhóm dư luận quan tâm tới vấn đề đời sống, việc làm của người lao động; sử dụng truyền thông đại chúng, đặc biệt là báo chí ở nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam và các ứng dụng Zalo, YouTube, Facebook, blogger… làm diễn đàn trao đổi và phương tiện đăng tải tài liệu, thông tin, bình luận hướng dư luận nhìn nhận theo quan điểm sai lệch; dẫn nguồn thông tin từ báo chí chính thống, ứng dụng công nghệ AI để đưa giọng nói vào các hình ảnh, video cắt ghép tạo cảm giác cho người đọc, người xem dễ phân tâm, lung lạc giữa đúng - sai, thật - giả. Tổ chức lực lượng thâm nhập vào các diễn đàn, mạng xã hội của công nhân để phát hiện, lôi kéo đầu mối, huấn luyện và chỉ đạo hoạt động. Cùng với đó là tiếp cận công nhân đang có những vấn đề bức xúc chưa được giải quyết, lấy danh nghĩa hỗ trợ pháp lý công nhân đấu tranh đòi quyền lợi, từng bước chuyển hóa thành “chân rết” phục vụ cho mưu đồ riêng. Các hội, nhóm nhân danh “đại diện người lao động” hoạt động ở khắp nơi, len lỏi vào các khu nhà trọ công nhân quay phim, chụp hình một số công nhân rồi tung lên mạng, nói những điều sai sự thật, kêu gọi mọi người chung tay cứu giúp công nhân đang gặp khó khăn.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trong công nhân
Trải qua gần 95 năm xây dựng Đảng, 79 năm xây dựng đất nước, Công đoàn Việt Nam là sợi dây nối liền giữa Đảng với giai cấp công nhân, với người lao động. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn được hình thành trong lịch sử đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam. Cũng bởi vậy, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng trong công nhân, người lao động là một trong những nhiệm vụ được các cấp công đoàn quan tâm thực hiện góp phần giảm thiểu các hành vi chống phá Công đoàn Việt Nam, chống phá Đảng và chế độ nhà nước ta thông qua tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân.
Bằng những cách làm sáng tạo, phù hợp, các cấp công đoàn đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm của mỗi công nhân, người lao động đối với quê hương, đất nước. Điều đó được minh chứng qua việc hàng triệu công nhân lao động tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cả nước đã tổ chức mặc niệm, tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để bày tỏ tình cảm và sự kính trọng trước những công lao to lớn của Tổng Bí thư với Đảng, đất nước, với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; hình ảnh công nhân "nhuộm đỏ" nhà xưởng bằng cờ Tổ quốc trong những ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Điều đó cũng được biểu hiện sâu sắc qua việc trong đại dịch covid – 19 và thiên tai, bão lũ, các nhà máy, xí nghiệp vẫn sáng đèn do công nhân đồng hành với doanh nghiệp duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng; chung sức, đồng lòng, sẵn sàng thực hiện chương trình ủng hộ bà con vùng bão lũ…
Ở nhiều địa phương, công nhân tham gia nhóm nòng cốt, tổ tự quản, trở thành những “công nhân tuyên truyền” tại các khu nhà trọ, khu công nghiệp. Trong suy nghĩ của đa số công nhân, Đảng vĩ đại nhưng không xa vời. Đảng lãnh đạo thắng lợi các cuộc cách mạng của dân tộc và cũng luôn gần gũi, sâu sát, quan tâm chăm lo tới mọi tầng lớp nhân dân, nhất là công nhân, người lao động. Vì thế, đội ngũ công nhân lao động luôn an tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, không ngừng nỗ lực phấn đấu để trở thành những công nhân ưu tú, được Đảng lựa chọn, bồi dưỡng.
Nhiệm kỳ 2023 – 2028, Công đoàn Việt Nam xác định mục tiêu tổng quát là đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.
Trong đó, xác định nhiệm vụ tăng cường bảo vệ và làm sâu sắc hơn thành tựu và các giá trị của Công đoàn Việt Nam được hình thành trong gần một thế kỷ qua. Thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời và kiên quyết đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, thông tin sai lệch, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn. Phối hợp với cơ quan chức năng, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong các cấp công đoàn; phòng ngừa tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội, nhất là “tín dụng đen” trong đoàn viên, người lao động; kiên quyết, kiên trì tuyên truyền, vận động để đoàn viên, người lao động không bị các thế lực thù địch, các phần tử xấu lôi kéo, kích động vào các hành vi trái pháp luật, gây mất an ninh trật tự.
NGÔ KIM PHƯƠNG
--------
Tài liệu tham khảo
(1), (2) Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
(3) Cảnh giác những chiêu trò lợi dụng tổ chức người lao động để chống phá Đảng, Nhà nước. TS. Nguyễn Thị Nga - Giảng viên, Học viện Chính trị Công an nhân dân
(4) Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới