Tự động hóa dây chuyền sản xuất
Mô tả về sáng kiến “Cải tiến tự động hóa dây chuyền sản xuất sản phẩm CDH74 và CDRH74”, anh Hải cho biết, với các mã sản phẩm CDH74, CDRH74, các công đoạn chủ yếu là thủ công (quấn dây, nhúng thiếc, kiểm tra ngoại quan, uốn chân, đóng dấu, chuyển sản phẩm) nên sử dụng công nhân nhiều. Riêng công đoạn nhúng thiếc, công nhân phải làm việc với môi trường nhiệt độ cao và độc hại, mặc dù đã có những dụng cụ an toàn, tuy nhiên khả năng phát sinh tai nạn lao động vẫn được đánh giá ở mức độ cao.
Từ thực tế này, anh Hải cùng đồng nghiệp nghiên cứu và phân tích thời gian, động tác, thiết bị máy đơn giản hiện đang sử dụng. Từ đó, đưa ra ý tưởng tự động hóa các công đoạn công nhân thao tác thủ công, cải tiến các cơ cấu máy không phù hợp và thiếu linh hoạt. Cùng với đó, thiết kế cơ cấu lưu chuyển tuần hoàn giữa các công đoạn thao tác của máy, tự động hóa việc bù nguyên liệu phụ; sử dụng băng tải và các cơ cấu gắp, đặt để lưu chuyển thiết bị giữa các công đoạn…
Từ ý tưởng đó, máy nhúng thiếc, uốn chân và cụm băng tải lưu chuyển được nhóm kỹ sư cải tiến từ ý tưởng các cơ cấu, máy thô sơ làm việc độc lập thành một cụm máy hoạt động tuần hoàn, cải tiến về tốc độ, hiệu suất và chất lượng chạy máy. Máy được thiết kế gọn gàng, phù hợp với diện tích khu vực dây chuyền sản xuất, phù hợp với năng suất của nhà máy hiện tại và trong tương lai, dễ dàng điều chỉnh khi chuyển mã và có khả năng nâng cấp nếu cần thiết.
Máy đóng dấu, chuyển sản phẩm và các cơ cấu gắp di chuyển thiết bị tự động được nghiên cứu mới dựa trên thao tác thủ công của công nhân. Camera kiểm tra sản phẩm, cảm biến quang được nghiên cứu và lắp đặt tại các vị trí quan trọng giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm, điều tra lịch sử lỗi, hiển thị hình ảnh và cảnh báo khi máy gặp sự cố. Băng tải lưu chuyển thiết bị tuần hoàn giữa các công đoạn một cách tự động, công nhân không cần phải rời khỏi vị trí làm việc, giảm mệt nhọc và mất tập trung trong công việc.
Khẳng định trí tuệ lao động Việt Nam
Sáng kiến của anh Hải sau khi được áp dụng mang lại hiệu quả cao về năng suất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và giảm mệt nhọc cho công nhân. Sáng kiến này cũng được phê duyệt làm tiêu chuẩn thiết kế máy đối với các dự án cải tiến, tự động hóa áp dụng cho các mã sản phẩm khác của nhà máy. Chưa kể, việc tự thiết kế và lắp đặt máy tự động tại nhà máy được quản lý cấp cao của tập đoàn ghi nhận, hài lòng, được giới thiệu đến các nhà máy khác để tham khảo, khẳng định trí tuệ của lao động Việt Nam trong tập đoàn.
Hiệu quả của sáng kiến trong việc giảm chi phí nhân công do tự động hóa (giảm 6 nhân công), để chuyển lao động dư thừa sang những dây chuyền khác; tăng năng suất lao động và giảm chi phí đầu tư mua thiết bị máy móc lên tới 1.656.405.000 đồng/năm.
Sáng kiến cũng giúp anh Nguyễn Thái Hải lần đầu nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐVN. Với anh Hải, phần thưởng này là “quả ngọt” sau 5 năm làm việc tại Công ty TNHH Sumida, cùng đồng nghiệp đóng góp hàng trăm ý tưởng, giải pháp lớn, nhỏ. Đó cũng là nguồn cổ vũ tinh thần, động lực để anh tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp.
https://laodong.vn/cong-doan/sang-kien-tu-dong-hoa-lam-loi-tien-ti-cho-doanh-nghiep-1382476.ldo