Trang chủCông nhân 360Lao động năm châu
Lao động năm châu
Cập nhật lúc 04:43 12/09/2017 (GMT+7)
Cơ sở lý luận về dịch chuyển lao động có tay nghề trong ASEAN

Ngày 12.9, tại Hà Nội, Viện Công nhân và Công đoàn tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận chung về dịch chuyển lao động có tay nghề trong ASEAN” với sự chủ trì của TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; TS Vũ Minh Tiến, Phó Viện trưởng Viện CNCĐ.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Đặng Nguyên Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN; TS. Nguyễn Quang Việt - Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp); TS. Hoàng Xuân Hòa - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế T.Ư) và nhiều nhà nghiên cứu…

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Bùi Sỹ Lợi nêu rõ, để đưa ASEAN trở thành một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) tập trung vào các biện pháp tạo thuận lợi hóa và tự do lưu chuyển thương mại, đầu tư, dịch vụ, lao động tay nghề cao và sự di chuyển tự do hơn của các dòng vốn…Cộng đồng AEC được kỳ vọng là cộng đồng năng động nhất, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu với GDP bình quân hàng năm đạt trên 2000 tỷ USD và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong nhứng năm tới. AEC bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 630 triệu người, trong đó 300 triệu người trong lực lượng lao động và Việt Nam chiếm 15%.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế khi tham gia AEC, Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ việc hội nhập kinh tế khu vực bởi kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng phát triển châu á (ADB), AEC sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5%.

Khi tham gia AEC, sẽ tác động mạnh mẽ tới thị trường lao động bởi AEC cho phép các lao động có tay nghề cao của 10 quốc gia thành viên được di chuyển tự do trong khu vực (trước mắt là 8 lĩnh vực, ngành nghề).

Các chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý cho rằng, nếu lao động VN không sớm khắc phục tình trạng năng suất kém, việc dạy và đào tạo ở các trường dạy nghề chưa theo sát trình độ phát triển của các nước tiên tiến trong khu vực, lao động VN rất khó cạnh tranh trong sân chơi khu vực hóa lao động, gia tăng lợi thế của mình và nguy hiểm hơn đánh mất thị trường và cơ hội làm việc ngay tại quê nhà.

Tại hội thảo, TS Vũ Thị Loan - Chủ nhiệm đề tài thay mặt nhóm tham gia thực hiện - đã nêu bật mục tiêu, nhiệm vụ của đề tài, trong đó nêu rõ: Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là phân tích làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về dịch chuyển lao động có tay nghề tại VN trong quá trình VN tham gia AEC; nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong việc hỗ trợ và quản lý dịch chuyển lao động có tay nghề; phân tích điểm mạnh, yếu, cơ hội, thách thức và tác động của dịch chuyển lao động có tay nghề đối với sự phát triển kinh tế xã hội và NLĐ VN; đề xuất các giải pháp về chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và quản lý dịch chuyển lao động có tay nghề trong bối cảnh VN tham gia AEC…

Tại hội thảo, các đại biểu đã cung cấp một số lý thuyết di cư và chuyển dịch lao động, kỹ năng nghề nghiệp – khung khái niệm, đánh giá và công nhận trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN, cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội và giáo dục của phát triển kỹ năng nghề nghiệp và các tiêu chí đánh giá hiệu quả dịch chuyển lao động có tay nghề; hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho dịch chuyển lao động có tay nghề trong điều kiện hội nhập quốc tế của VN, kinh nghiệm của một số nươc trong việc quản lý đưa lao động có tay nghề đi làm việc ở nước ngoài…

Hội thảo nằm trong khung khổ nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước “Dịch chuyển lao động có tay nghề trong quá trình VN tham gia cộng đồng kinh tế Asean” do Viện CNCĐ thực hiện.

 

In
Về đầu
Lượt truy cập: