Bộ LĐTBXH đã hoàn thiện dự thảo nghị định quy định hướng dẫn chi tiết thực thi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hiện đang lấy ý kiến các bộ ngành có liên quan để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ. Đây là nỗ lực nhằm cụ thể hóa luật và tiếp tục “siết” công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) vốn nhiều tồn tại thời gian qua.
Những năm gần đây, số người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài không ngừng gia tăng. Cụ thể, mỗi năm Việt Nam đưa hơn 100.000 người đi lao động ở nước ngoài, riêng trong 10 tháng đầu năm 2017, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 106.127 lao động, đạt 101,07% kế hoạch năm 2017 và bằng 107,84% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số những thị trường lớn, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) là 2 thị trường dẫn đầu về số người Việt Nam đang làm việc. Các thị trường đã phát sinh một số vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng ổn định và phát triển thị trường. Ngoài vấn đề lao động cư trú bất hợp pháp chưa bao giờ hết “nóng”, tình trạng phát sinh mâu thuẫn trong quá trình làm việc do khâu đào tạo sơ sài, chủ sử dụng chậm trả lương cũng gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN) và người lao động.
Bên cạnh đó, cùng với một số DN hoạt động khá chuyên nghiệp, còn không ít DN “chộp giật”, lạm thu, trục lợi. Do xuất hiện nhiều vấn đề phát sinh, ngoài việc thanh, kiểm tra chặt chẽ khâu cấp phép, Bộ LĐTBXH đã thu hồi giấy phép của hơn 40 DN thời gian qua.
Trước đó, cơ quan chức năng áp dụng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn còn chưa rõ ràng hoặc chồng chéo, dẫn đến hoạt động XKLĐ không minh bạch. Nỗ lực hoàn thiện dự thảo nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thực thi luật được đánh giá là sẽ góp phần hạn chế những phát sinh tiêu cực.
Hạn chế tiêu cực
Đánh giá về dự thảo này, ông Phạm Đỗ Nhật Tân - Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ (VAMAX) - cho rằng, bước đi này nhằm hoàn thiện, bổ sung thêm Nghị định 126, có điều chỉnh các vấn đề do thực tế phát sinh. Cụ thể, dự thảo khắc phục được các bất cập về cấp đổi giấy phép; trong danh mục cấm có thay đổi 1 số nội dung để tăng cơ hội tiếp cận cho cả DN và người lao động. Ở một số thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Ả Rập, dự thảo nêu rõ được các điều kiện đối với lao động, DN, trong đó tập trung chủ yếu vào khâu đào tạo, tránh tình trạng người lao động không được trang bị đủ hành trang trước khi đi. Đồng thời, các con số về chi phí cũng được yêu cầu nêu rất rõ ràng, hạn chế tối đa được việc lạm thu, trục lợi.
Cũng theo ông Tân, các thị trường được đánh giá có nhiều phát sinh gây khó thì mình vẫn tiếp cân nhưng phải nghiêm túc xem xét lại các điều kiện đối với DN và người lao động. “Công tác tổ chức thực hiện với các bộ, ngành liên quan được cụ thể hóa thêm một bước trong dự thảo với các công việc rất rõ ràng cho thấy hướng đi tích cực của Bộ LĐTBXH. Đây là cơ sở để tin vào việc thời gian tới, công tác XKLĐ sẽ hạn chế được nhiều bất cập. Nhìn chung, đây là hướng đi tích cực, khi chưa thể thay đổi luật thì thêm nghị định là rất tốt. Ngoài ra, cá nhân tôi thấy dự thảo có bố cục chặt chẽ, chương mục rõ ràng so với nghị định cũ” - ông Tân nói.
Chung quan điểm, ông Lâm Xuân Lộc - Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng, cung ứng nhân lực và Xuất nhập khẩu Thiên Ân (TAMAX) - cho rằng, khâu tuyển chọn kỹ lưỡng đảm bảo đối tượng càng làm chặt bao nhiêu thì càng hạn chế rủi ro cho DN, người lao động và cả chủ sử dụng lao động bấy nhiêu. Theo đó, ông Lộc cho rằng khâu đào tạo trước khi đi cho người lao động càng nhuần nhuyễn, càng đánh thức sự hiểu biết của họ, giúp họ có kiến thức cơ bản để hình dung được công việc, môi trường sống, những thuận lợi, khó khăn khi đi làm việc ở một đất nước xa lạ. Song song đó, chính DN sẽ bớt căng thẳng hơn khi giao người lao động cho đối tác.
Về nỗ lực minh bạch các mức chi phí, ông Lộc cho rằng, việc này nên tùy từng ngành nghề, thị trường. Tuy nhiên, vẫn cần công bố các mức cơ bản như phí môi giới, dịch vụ theo quy định chung. Ngoài ra, ông Lộc đề xuất phải quan tâm nhiều hơn đến công tác hỗ trợ người lao động bằng cách cắt cử cán bộ có kinh ngiệm, năng lực để hỗ trợ lao động tại nước sở tại. Việc cử cán bộ phải đa dạng và khá đông đảo, tạo thành nhóm để họ có thể hỗ trợ nhau khi có “sự cố”.
Trả lời câu hỏi các quy định khắt khe hơn trong dự thảo có làm khó cho DN hay không, ông Lộc cho biết: “Các quy định không gây khó, nếu các DN đồng lòng triển khai thì sẽ làm minh bạch thị trường, càng tạo điều kiện tốt cho DN”.