Nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng nhận lao động trẻ vì tin tưởng sự sáng tạo của nhóm này. Ảnh: Quỳnh Chi
Giỏi nhưng nhiều… yêu cầu
Anh Phùng Thế Mạnh 42 tuổi, vốn là du học sinh ngành thời trang tại châu Âu. Sau khi về nước, anh Mạnh mở một thương hiệu thời trang và có hệ thống 12 cửa hàng trên toàn quốc.
Tư duy cởi mở, trẻ trung và sẵn sàng tạo điều kiện cho lao động trẻ, anh Mạnh cho rằng điều này do anh tự chiêm nghiệm từ chính bản thân mình. “16 năm trước, tôi về nước và xin đi làm ở một vài doanh nghiệp, thấy có sự khác biệt giữa nhân sự trẻ/nhân sự lớn tuổi trong thị trường việc làm, đặc biệt nhóm du học trở về và nhóm học trong nước cũng có nhiều khác biệt. Từ câu chuyện của bản thân, tôi không ngại trao cơ hội và thử thách chính mình khi tuyển dụng người trẻ”, anh Mạnh nói.
Hiện nay, khoảng 30% nhân sự của công ty anh Mạnh là nhân sự dưới 28 tuổi. Đặc biệt, nhóm thiết kế có tới 50% nhân sự dưới 30 tuổi. Anh Mạnh cho hay, thế mạnh của những người trẻ là rất giàu năng lượng, nhiều ý tưởng, không ngại thay đổi nhưng cũng nhiều… yêu cầu đối với doanh nghiệp.
Chính từ kiến nghị của nhân sự trẻ, tại trụ sở chính của công ty ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), anh Mạnh đã phải bố trí thêm 1 phòng có công năng như nơi xả stress. Nhân sự có thể mang đồ ăn, đồ uống, thậm chí tụ tập để giải tỏa khi thấy cần. Nhóm thiết kế đề xuất được xin nghỉ 1 ngày trong tuần, báo trước 1 ngày và sẽ chủ động làm bù vào 1 ngày chủ nhật trong tháng.
“Tôi gần như đáp ứng mọi yâu cầu của nhân sự trẻ bởi so với thời của tôi, các bạn khác biệt rất nhiều: lớn lên trong thời đại công nghệ, mạng xã hội và tiếp cận với nhiều luồng tư tưởng mới mẻ. Điều đó khiến họ đề cao tính linh hoạt, muốn được lắng nghe, được trao quyền”, anh Mạnh nói.
Chấp nhận xu thế “dịch chuyển” của lao động trẻ
Thường xuyên tuyển lao động trẻ chiếm tỉ lệ khoảng 25% nhân sự công ty, chấp nhận đào tạo lại và hiểu rõ xu thế “dịch chuyển” của nhóm này, bà Nguyễn Hoàng Ly – Giám đốc sáng tạo Công ty TNHH Truyền thông số Ly Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay, công ty bà sẵn sàng tuyển dụng người trẻ dù có nhiều bất cập có thể nhìn thấy được.
“Chúng tôi đã từng có những ý tưởng truyền thông rất sáng tạo, thậm chí hơi “điên rồ” từ những nhân sự trẻ, nhưng khi đề xuất thì khách hàng lại rất ưng. Chỉ khoảng 5% nhân sự trẻ tiếp tục gắn bó với công ty sau 1 năm nhưng chúng tôi chấp nhận bởi những người còn ở lại với chúng tôi đều xuất sắc và 2 bên tìm được tiếng nói chung. Trong ngành này, nếu tuyển dụng mà yêu cầu trình độ, kinh nghiệm thì khả năng cao bạn sẽ chỉ tuyển được nhân sự từ 35 tuổi trở lên, có thể có ý tưởng hay nhưng những hiểu biết về truyền thông số hoặc những xu hướng truyền thông hiện đại lại không thể bằng lớp trẻ”, bà Hoàng Ly nói.
Ông Lê Quang Trung – nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng, nhiều lao động trẻ không quan tâm khi tham gia thị trường việc làm, nhà tuyển dụng rất để ý đến hồ sơ, lịch sử làm việc cá nhân. “Lịch sử làm việc thiếu ổn định cũng ảnh hưởng đến uy tín cá nhân bởi nhà tuyển dụng có thể nghi ngờ về mức độ cam kết và trung thành của ứng viên, từ đó ảnh hưởng đến khả năng thăng tiến hay xây dựng mối quan hệ lâu dài với đồng nghiệp và cấp trên”, ông Lê Quang Trung nói.
Theo khảo sát mới đây của chuyên trang tuyển dụng trực tuyến Việc Làm Tốt (TP Hồ Chí Minh), có 85% người lao động đang trong tâm thế muốn nhảy việc, trong đó nhóm tuổi 18 - 24 chiếm hơn 96%.