Nhiều người trẻ chấp nhận gia nhập thị trường lao động bằng vị trí thấp. Ảnh: Quỳnh Chi
Chị Lê Thị Vân Nga tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Thương mại (Hà Nội) tháng 8.2023.
Không mơ mộng khi cầm tấm bằng thạc sĩ trong tay bởi biết muốn có công việc đúng chuyên ngành cần tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, chị Nga ứng tuyển làm nhân viên kinh doanh của một công ty chuyên nhập khẩu thiết bị gia dụng đóng tại quận Thanh Xuân (Hà Nội).
“Khi tham gia phỏng vấn, tôi gần như là người có trình độ cao nhất ứng tuyển thời điểm đó. Công ty nhận tôi vào làm, lương cứng khởi điểm 5 triệu đồng như mọi nhân viên khác. Đương nhiên để có mức lương cứng này, nhân viên kinh doanh phải đạt được chỉ tiêu về doanh số. Lương “mềm” sẽ được trả dựa trên tỉ lệ hoàn thành doanh số mà công ty đưa ra” - chị Nga nói.
Cũng theo chị Nga, trong khi nhiều bạn học lớp cao học của chị gửi hồ sơ vào những vị trí việc làm cao cấp hơn, lương tính bằng nghìn đô thì chị hài lòng với xuất phát điểm của mình.
“Tốt nghiệp đại học tôi học luôn cao học, chưa có ngày thực hành nào, tôi nghĩ bắt đầu từ vị trí nhân viên bán hàng là hợp lý nhất, xác định đúng mình là người học việc, đi lên từ người học việc” - chị Nga chia sẻ.
Sau gần 2 năm gắn bó với công ty, hiện chị Nga đã làm trưởng nhóm bán hàng, phụ trách địa bàn 3 quận của Thành phố Hà Nội.
Năm 2022, anh Nguyễn Minh Quân tốt nghiệp loại giỏi ngành bảo hiểm, Đại học Kinh tế quốc dân.
Tốt nghiệp đúng thời điểm khó khăn do dịch COVID-19, doanh nghiệp tuyển dụng cầm chừng, anh Quân quyết định phải tìm bằng được việc làm, đi làm ngay mà không kén chọn chuyện đúng chuyên ngành hay lương được bao nhiêu.
Anh Quân ứng tuyển làm nhân viên hành chính của một công ty chuyên về logistics.
“Công việc ban đầu là xử lý giấy tờ do trưởng bộ phận giao, chuyển hồ sơ đến chi nhánh công ty, thậm chí lái xe chở lãnh đạo đi gặp đối tác… Tôi làm hết các công việc này bằng sự tận tâm. Mỗi công việc tôi đều tâm niệm là quá trình học việc, kể cả việc lái xe” - anh Quân nói.
Đi làm rồi anh Quân mới thấy, việc giảm kỳ vọng quá lớn vào công việc sẽ mang lại sự ổn định và giúp lao động tích lũy kinh nghiệm “mềm”.
“Tôi từng nghĩ rằng chỉ cần học giỏi là đủ nhưng khi đi làm mới thấy kiến thức chỉ là một phần của công việc, thực tế còn yêu cầu nhiều yếu tố khác từ người lao động mà nếu chúng ta không trải nghiệm, không chịu học hỏi, không va vấp sẽ không bao giờ có được”, anh Quân khẳng định.
Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho hay, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cứ sau 5 năm, 30% kỹ năng nghề nghiệp hiện tại của người lao động sẽ không được sử dụng nữa, phải thay thế bằng những kỹ năng mới. Điều này đòi hỏi lao động trẻ cần được trang bị kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng thích ứng với sự thay đổi.
“Giai đoạn hiện nay, lao động trẻ cần được trang bị những kỹ năng mềm, kỹ năng thích ứng để có thể làm việc trong môi trường 4.0, có năng lực ứng phó với hoàn cảnh, nhất là với những rủi ro phi truyền thống” ông Trung nói.
Bản tin thị trường lao động quý I/2025 của Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước và Lao động (Bộ Nội vụ) cho thấy, số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý giảm, song ở một số nhóm ngành vẫn có tỷ lệ người thất nghiệp cao.
Cụ thể, quý I/2025 ghi nhận 144.889 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Phần lớn người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ, chiếm 59,2%; số có trình độ đại học trở lên chiếm 18,7%; trình độ cao đẳng 7,6%; trung cấp 6%; và 8,5% người nộp hồ sơ đề nghị hưởng có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp.
https://laodong.vn/cong-doan/nguoi-tre-chap-nhan-gia-nhap-thi-truong-lao-dong-bang-vi-tri-thap-1501205.ldo