Thời sự
Cập nhật lúc 08:54 11/05/2025 (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội chỉ ra điểm lập lờ trong ghi nhãn sản phẩm nước ngọt

Đại biểu Quốc hội cho rằng, một số nhãn hàng nước ngọt đang đánh tráo khái niệm về loại đường chứa trong sản phẩm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 10.5, Quốc hội đã nghe Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 03 điều, đã sửa đổi, bổ sung 23 điều, bãi bỏ 1 điều và 7 điểm, khoản của Luật Quảng cáo năm 2012, tăng 5 điều sửa đổi, bổ sung so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8.

Sau khi nghe báo cáo, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật trên.

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, Dự thảo Luật đã được các cơ quan chủ trì, thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu cơ bản đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục xem xét.

Lập lờ thông tin trên nhãn sản phẩm

Phát biểu đóng góp ý kiến, đại biểu Trần Khánh Thu - ĐBQH tỉnh Thái Bình - đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bỏ nội dung quy định tại điểm b, khoản 3, điều 19 Luật Quảng cáo (sửa đổi).

Theo đó, nội dung quảng cáo, bao gồm các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa...

Theo đại biểu, về bản chất quy định nhãn mác để minh bạch sản phẩm, nhưng lại là hình thức quảng cáo sản phẩm nhanh nhất. Tuy nhiên, hiện việc lập lờ trong ghi thông tin lên nhãn mác sản phẩm rất phổ biến, thậm chí có trường hợp đánh đồng, đánh tráo khái niệm.

Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng nhiều sản phẩm nước ngọt, nước uống có ga lập lờ trong ghi thông tin nhãn mác. Ảnh: Quochoi
Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, nhiều sản phẩm nước ngọt, nước uống có ga lập lờ trong ghi thông tin nhãn mác. Ảnh: Quochoi

Đưa dẫn chứng, đại biểu Khánh Thu cho biết, đường fructose đã được nhiều nghiên cứu chứng minh có tác hại liên quan đến rối loạn chuyển hóa nhưng vẫn đang được sử dụng và ghi nhãn kiểu "né tránh, gây hiểu lầm".

"Nhiều sản phẩm ghi là siro từ ngô, scf đường lỏng. Một số sản phẩm khác thì không ghi riêng hàm lượng đường mà chỉ ghi chung chung cacbon hydrat tổng hợp.

Như một số mặt hàng nước ngọt có ga thì chỉ ghi lượng đường trên 100ml. Ví dụ một chai nước 390ml nhưng trên nhãn chỉ ghi lượng đường của 100ml, nếu không đọc kỹ, nhiều người có thể hiểu nhầm cả chai chỉ có 10g đường, nhưng thực tế có gần 41g đường. Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm", đại biểu Trần Khánh Thu chia sẻ.

Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị bỏ quy định tại điểm tại điểm b, khoản 3, điều 19 Luật Quảng cáo (sửa đổi).

Các nước trên thế giới xử lý rất nặng người nổi tiếng quảng cáo sai

Tiếp tục đóng góp ý kiến, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về trách nhiệm liên đới của người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm không đúng quy định.

Từ kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới, đại biểu Thu cho hay, các nước đang quản lý rất chặt và có chế tài xử lý nặng đối với những đối tượng trên khi phát hiện có sai phạm.

"Như tại Hoa Kỳ, Ủy ban thương mại liên bang yêu cầu người nổi tiếng phải tiết lộ rõ ràng mối quan hệ tài chính giữa cá nhân với thương hiệu khi quảng cáo sản phẩm. Quảng cáo phải trung thực, không gây hiểu lầm về hiệu quả, tính năng của sản phẩm.

Hay tại Hàn Quốc, họ cấm các hoạt động quảng cáo trá hình trên mạng xã hội. Nếu vi phạm có thể phạt tối đa 2% doanh thu quảng cáo hoặc khoảng 500 triệu won (tương đương khoảng 8,7 tỉ đồng). Ngoài ra, cấm các nghệ sĩ làm đại diện thương hiệu cho các hãng rượu, dễ ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ", đại biểu Trần Khánh Thu nêu ý kiến.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quochoi
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Quochoi

Còn đại biểu Phạm Văn Hòa - ĐBQH tỉnh Đồng Tháp - đề nghị quy định rõ về nghĩa vụ của người quảng cáo.

"Không phải anh muốn lên nói gì thì nói. Anh quảng cáo thì phải cho nó đúng, cho trúng, cho thật, cho rõ ràng cụ thể về sản phẩm", đại biểu Hòa nói.

Đồng thời, đại biểu Hòa cũng đồng tình việc tăng chế tài xử phạt đối với người quảng cáo sai sự thật, đặc biệt với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng đối với công chúng.

https://laodong.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-chi-ra-diem-lap-lo-trong-ghi-nhan-san-pham-nuoc-ngot-1504393.ldo

Tô Thế (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: