Đại biểu Quốc hội nói về việc EVN tăng giá điện thêm 4,8%
Đại biểu Quốc hội cho biết, bản thân thấy “hơi sốc” trước việc EVN tăng giá điện thêm 4,8% áp dụng từ hôm nay nhưng bày tỏ sự ủng hộ lộ trình tăng giá điện.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân cho biết, bản thân thấy “hơi sốc” trước việc EVN tăng giá điện. Ảnh: Phạm Đông
Tại họp báo chiều 9.5, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thông báo giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2.103,11 đồng lên 2.204,07 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 4,8%, tương tự hồi tháng 10.2024.
Lý giải việc điều chỉnh tăng giá điện kỳ này, EVN cho hay trong cơ cấu nguồn điện năm 2025, nguồn thủy điện với giá thành thấp chỉ cung cấp được khoảng 25% sản lượng toàn hệ thống; còn lại 75% được cung cấp từ các nguồn điện có giá thành cao như nhiệt điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo...
Sản lượng điện tăng thêm của hệ thống phải huy động từ các nguồn điện có giá thành cao như: nguồn nhiệt điện chạy dầu, nguồn nhiệt điện tuabin khí hóa lỏng (LNG) và nguồn nhiệt điện than nhập khẩu. Bên cạnh đó trong thời gian qua, tỉ giá ngoại tệ (USD) diễn biến khó lường, tăng cao.
Điều này làm ảnh hưởng đến chi phí của khâu phát điện, nơi chiếm tỉ trọng khoảng 83% trong giá thành sản xuất điện.
Ngày 10.5, chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho biết, bản thân thấy “hơi sốc” trước việc EVN tăng giá điện thêm 4,8% áp dụng từ hôm nay.
Theo đại biểu, hiện nay hoạt động buôn bán điện cân đối giữa đầu vào và đầu ra đang hơi gấp nên gây khó khăn cho EVN.
Cho rằng ngành điện là ngành xương sống của nền kinh tế, đại biểu nhấn mạnh: Nếu EVN không đủ nguồn lực để tái đầu tư, mở rộng, nâng cấp công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật thì ngành điện sẽ lạc hậu so với khu vực, thế giới, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
“Tôi ủng hộ lộ trình tăng giá điện vì giá điện của nước ta hiện nay hơi thấp, đặc biệt với các nước phát triển thì thấp. Tuy nhiên, lộ trình thế nào chúng ta phải vạch ra và nên có thời gian nhất định để thông báo cho người dân, doanh nghiệp, hộ tiêu thụ biết để sẵn sàng”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.
Đại biểu Đoàn Bình Dương cho biết, bên cạnh việc tăng giá điện thì cần đi kèm với chính sách hỗ trợ bởi quan điểm của Đảng, Nhà nước là không để ai bỏ lại phía sau.
Mặc dù hiện nay tỷ lệ hộ nghèo thấp, cũng cần tính toán về khả năng chi trả với đối tượng này thế nào? Nhưng chúng ta cũng không thể giảm giá điện mãi, phải đưa về kinh tế thị trường. Đối với sản xuất công nghiệp, giá điện Việt Nam so với các nước không cao.
Quan điểm của chúng ta chuyển dịch cơ cấu để phát triển kinh tế không dựa vào nhân công giá rẻ và thâm dụng điện năng.
Nếu không nâng giá điện thì có thể một bộ phận người dân được hưởng lợi, nhưng ngược lại cả nền kinh tế bị thiệt hại. Bởi các doanh nghiệp FDI người ta vào để tận dụng điện giá rẻ, không chịu cải tiến công nghệ, đưa công nghệ lạc hậu vào. Giá điện không làm ảnh hưởng đến sản xuất của họ mấy về chi phí đầu vào.
Cuối cùng, ông Nguyễn Quang Huân nêu quan điểm, giá điện không cần tăng quá cao nhưng cũng phải bằng với các nước trong khu vực.
Các nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh tế nên có một nghiên cứu bài bản trình Chính phủ ra quyết định hợp lý; cân đối chi phí đầu vào/ra cho doanh nghiệp và đảm bảo người dân có thể chi trả được và một mặt khác là Nhà nước không bị thiệt, EVN có tiền để phát triển, đầu tư.
https://laodong.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-noi-ve-viec-evn-tang-gia-dien-them-48-1504494.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)