Số lượng biên chế dự kiến tại mỗi xã, phường sau sắp xếp
Sau khi các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị cấp xã đi vào hoạt động ổn định, tạm thời dự kiến bố trí bình quân 60 biên chế/1 xã, phường, đặc khu.
Dự kiến bố trí bình quân 60 biên chế tại mỗi xã, phường, đặc khu sau sắp xếp. Ảnh: Hương Nha
Bộ Nội vụ đã hoàn thành toàn hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã hướng dẫn bố trí cán bộ, công chức của chính quyền địa phương 2 cấp theo các nguyên tắc.
Về biên chế cấp tỉnh, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp tỉnh sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản bố trí theo đúng quy định.
Khi chính quyền địa phương cấp tỉnh sau sắp xếp đi vào hoạt động, Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, hoàn thiện vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế cho các địa phương.
Về biên chế cấp xã (xã, phường, đặc khu), trước mắt, cơ bản giữ nguyên biên chế hiện có của cấp huyện, cấp xã hiện nay để bố trí cho cấp xã mới (trừ cán bộ, công chức cấp xã không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định xin nghỉ thôi việc).
Sau khi các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị cấp xã đi vào hoạt động ổn định, tạm thời dự kiến bố trí bình quân 60 biên chế/1 xã, phường, đặc khu (bao gồm biên chế khối Đảng, đoàn thể và chính quyền địa phương cấp xã).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ Đề án và trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao, kịp thời nắm bắt, tống hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết hoặc điều chỉnh cho phù hợp, không để ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Bộ Nội vụ cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo lĩnh vực chuyên ngành, kịp thời hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc thuộc phạm vi quản lý.
Hướng dẫn, bố trí kinh phí để chi trả thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định.
Trong giai đoạn tổ chức thực hiện, đề nghị các địa phương bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, đồng thời linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, phù hợp với đặc điểm cụ thể của địa phương mình. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và tuyên truyền rộng rãi trong hệ thống chính trị và nhân dân địa phương về mục tiêu, ý nghĩa của việc sắp xếp ĐVHC; nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện chủ trương.
Đồng thời với việc triển khai chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp ĐVHC để hình thành các ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã mới, các địa phương cần tập trung cao cho công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và bố trí nhân sự.
https://laodong.vn/thoi-su/so-luong-bien-che-du-kien-tai-moi-xa-phuong-sau-sap-xep-1504491.ldo
ANH HUY (BÁO LAO ĐỘNG)