Thời sự
Cập nhật lúc 07:44 17/05/2025 (GMT+7)
Dự kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo không còn chức năng thanh tra từ ngày 1.6

Dự kiến từ 1.6, Bộ GDĐT chỉ thực hiện chức năng kiểm tra, còn chức năng thanh tra trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ do Thanh tra Chính phủ đảm nhiệm.

Dự kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo không còn chức năng thanh tra từ ngày 1.6
TS Mai Thị Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GDĐT cho biết, từ 1.6, Bộ GDĐT dự kiến không còn chức năng thanh tra các trường học. Ảnh: Chân Phúc

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 04/2021/NĐ-CP và 127/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức tại TPHCM ngày 16.5.

TS Mai Thị Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GDĐT cho biết, bắt đầu từ ngày 1.6 tới, theo Quyết định số 755 ngày 13.4.2025 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thì 12 Thanh tra Bộ (trừ Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an và Thanh tra Ngân hàng nhà nước) dự kiến sẽ kết thúc hoạt động.

Tại địa phương, Thanh tra Sở cũng kết thúc hoạt động để sáp nhập và chuyển giao chức năng thanh tra về Thanh tra tỉnh.

Các bộ không còn cơ quan thanh tra và các sở sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước. Đối với các trường học thì không còn bộ phận thanh tra mà chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nội bộ.

Trước thông tin này, đại diện Sở GDĐT tỉnh Bình Phước - tham dự hội thảo, bày tỏ sự băn khoăn về quy trình lập biên bản xử phạt của các đoàn kiểm tra chuyên ngành, đồng thời đề nghị Bộ GDĐT có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này cũng như về công tác sắp xếp, tổ chức sau khi bộ phận thanh tra tại các đơn vị dừng hoạt động.

Cũng tại hội thảo, TS Quách Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM bày tỏ băn khoăn trước quy định xử phạt nếu các trường đại học tuyển vượt quá 3% chỉ tiêu.

TS Quách Thanh Hải cho biết, chính đơn vị của ông vừa bị xử phạt vì quy định này. "Việc tính toán tỉ lệ ảo là điều rất khó. Có những ngành khó tuyển, chúng tôi chỉ tiêu 20 em, nhưng đôi khi tuyển vượt một em để phòng trường hợp thí sinh không nhập học thì cũng đã vi phạm", ông Hải chia sẻ.

Từ thực tế đó, ông Hải kiến nghị cần có sự điều chỉnh trong các quy định liên quan đến hành vi vi phạm trong hoạt động tuyển sinh, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở đào tạo.

PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GDĐT tại hội thảo. Ảnh: Chân Phúc
PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GDĐT tại hội thảo. Ảnh: Chân Phúc

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, có thông tin rằng đã xử phạt vi phạm liên quan đến tuyển vượt 3% tới hơn 100 trường. Với số lượng vi phạm lớn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng các trường phải xem lại quy định, xem có phù hợp không. Đồng thời đề nghị các trường có ý kiến để Bộ có cơ sở đề xuất thay đổi.

Thứ trưởng nêu ví dụ: "Nếu ngành tuyển số lượng lớn thí sinh, vượt 3% là con số đáng kể nhưng nếu chỉ khoảng 20 chỉ tiêu, vượt 2 thí sinh đã lên tới 10%. Do đó cần xem xét lại để phù hợp với thực tiễn".

https://laodong.vn/giao-duc/du-kien-bo-giao-duc-va-dao-tao-khong-con-chuc-nang-thanh-tra-tu-ngay-16-1507989.ldo

CHÂN PHÚC (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: