Trang chủChuyên đềTuyên truyền giáo dục - thi đua khen thưởng
Tuyên truyền giáo dục - thi đua khen thưởng
Cập nhật lúc 11:25 14/12/2024 (GMT+7)
Nhận diện và phê phán các quan điểm phủ nhận thành tựu đổi mới của tổ chức Công đoàn Việt Nam

Thời gian vừa qua, trên không gian mạng, những kẻ cơ hội chính trị cùng các thế lực thù địch, chống phá đưa ra luận điệu phủ nhận thành tựu cũng như chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Thứ nhất, về chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, các thế lực thù địch, chống phá cho rằng: “Công đoàn “đổi mới” không hề… mới” vì vấn đề này được Đảng ta và tổ chức Công đoàn Việt Nam đưa ra gần 40 năm qua.

Đổi mới là quá trình lâu dài, liên tục để thích ứng và phù hợp với sự biến đổi khách quan của các yếu tố bên trong và bên ngoài; đồng thời để có thời gian khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong hiện tại. Sự đổi mới của tổ chức Công đoàn Việt Nam là yêu cầu tất yếu, liên tục, không phải làm một lần, hay một vài năm. Cái mà các thế lực cho là “cũ”, về bản chất, là thể hiện sự nhất quán, kiên định, quyết tâm và nỗ lực đến cùng của Đảng để tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phát triển (1).

Quá trình đổi mới của Công đoàn Việt Nam được xác lập bởi những mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, khâu đột phá khác nhau ở mỗi nhiệm kỳ đại hội gắn với bối cảnh, nhiệm vụ cách mạng đặc thù của mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Ví như Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ I (tháng 01-1950) diễn ra trong bối cảnh cả nước đồng lòng tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mục tiêu của Đại hội được xác định là: Động viên công nhân, viên chức cả nước, nhất là ngành quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ cho kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi nhiệm vụ và quyết tâm chung của cả dân tộc là xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam thì mục tiêu của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần II, III là: Động viên cán bộ, công nhân, viên chức thi đua lao động, sản xuất, xây dựng CNXH ở miền Bắc với tinh thần: “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà và “Động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường, tất cả để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”.

Khi đất nước thống nhất, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, mục tiêu các đại hội cũng được xác định linh hoạt phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đó là: “Động viên giai cấp công nhân và người lao động thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong cả nước” (Đại hội IV), “Động viên công nhân lao động thi đua thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng: Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu” (Đại hội V); “Việc làm và đời sống, dân chủ và công bằng xã hội” (Đại hội VI); Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn, góp phần và xây dựng bảo vệ Tổ quốc, chăm lo và bảo vệ lợi ích của công nhân, lao động” (Đại hội VII)… Các Đại hội tiếp theo cho đến nay (VIII, IX, X, XI, XII), mục tiêu tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới luôn được khẳng định (2).

2024-7-24-cong-doan-vn_ruby.jpg

Đặc biệt, năm 2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Trong đó nêu rõ: “Thời gian tới, số lượng công nhân, lao động tăng nhanh, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước. Quá trình phát triển kinh tế thị trường; những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp người lao động… Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn đối với tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam” (3)

Giai đoạn 2023-2028, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đã xác định phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, đã khái quát những đặc tính, bản chất và mục tiêu chung mà Công đoàn Việt Nam hướng tới. Như vậy, sự đổi mới được thể hiện ngay trong việc xác định mục tiêu hoàn toàn đúng đắn, khoa học, xuất phát từ thực tiễn của Công đoàn Việt Nam tại mỗi kỳ đại hội. Những mục tiêu đó vừa thể hiện sự linh hoạt, vừa có tính nhất quán: Đó là sự kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ cấp bách và lâu dài trong từng giai đoạn; giữa lợi ích quốc gia dân tộc và lợi ích của giai cấp công nhân, người lao động (4).

Thứ hai, về thành tựu đổi mới, các thế lực thù địch, chống phá cho rằng công đoàn vẫn loay hoay “đổi mới”“, tìm cách tháo gỡ tình trạng hoạt động trì trệ, rằng, chỉ “lo tăng thành viên mà không đấu tranh tăng lương cho người lao động”… Thực tế trong gần 40 năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới quan trọng, tập trung vào vai trò, chức năng và những nhiệm vụ cốt lõi. Nổi bật là, Công đoàn Việt Nam đã đổi mới phương thức kết nạp đoàn viên theo hướng chủ động, thân thiện với đoàn viên, đơn giản về thủ tục, ấn tượng về sự quan tâm và chăm lo của tổ chức Công đoàn ngay từ đầu. Đổi mới sinh hoạt công đoàn đảm bảo hấp dẫn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện sản xuất, công tác của đoàn viên, sử dụng có hiệu quả các ứng dụng của internet trong sinh hoạt công đoàn. Đơn giản hóa các thủ tục để người lao động gia nhập tổ chức công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động khi có nguyện vọng gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Cùng với đó, Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV thông qua (27/11), từ 1/7/2025, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam được gia nhập và hoạt động công đoàn tại Công đoàn cơ sở. Đây là một trong 10 điểm mới của Luật Công đoàn (sửa đổi).

Nhìn vào thỏa ước lao động tập thể, trước đây chỉ đơn thuần là việc ký kết các thỏa thuận mà không có thương lượng thực chất giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Hiện nay, quá trình thương lượng thực sự diễn ra giữa hai bên và không chỉ ở cấp doanh nghiệp mà tại nhiều địa phương, ngành đã có thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp. Số lượng các bản thoả ước lao động tập thể được ký mới tăng theo năm và giai đoạn, trong đó giai đoạn 2019-2022, cả nước có trên 14.000 bản thoả ước lao động tập thể tại doanh nghiệp được ký mới (tăng 9,79 lần so với giai đoạn 2013-2018), nâng tổng số bản thoả ước lao động tập thể lên 42.324 bản.

Bên cạnh đó, hàng loạt sáng kiến cho tổ chức Công đoàn Việt Nam khởi xướng hướng tới bảo vệ thiết thực quyền lợi cho người lao động như: Chương trình “Phúc lợi đoàn viên” đã ký kết 2.840 bản thỏa thuận hợp tác, trong đó có 20 thỏa thuận cấp Tổng Liên đoàn; có khoảng hơn 6,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được hưởng lợi với tổng số tiền gần 1.400 tỷ đồng. Công đoàn đã tham gia tố tụng giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án cho 12.369 người, hỗ trợ, trong đó tham gia tố tụng bảo vệ tại Tòa án cho 7.705 người lao động; đại diện người lao động khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân cho 4.664 người, giúp người lao động nhận lại hoặc được bồi thường hơn 64 tỷ đồng...

Những đóng góp của Công đoàn Việt Nam trong việc nâng cao thu nhập, điều chỉnh hợp lý thời gian làm việc của người lao động là không thể phủ nhận. Minh chứng là Công đoàn Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia thông qua việc đề xuất nâng mức lương tối thiểu cho người lao động. Trong giai đoạn 2018 - 2023, đề xuất nâng mức lương tối thiểu tăng 25,34% (so với năm 2017, năm 2018 tăng 6,45%, năm 2019 tăng 12,03%, năm 2020 tăng 18,25%, năm 2022 tăng 25,34%). Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham mưu tăng thêm 01 ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh 2-9 trong Bộ Luật lao động năm 2019.

Giải quyết nhà ở cho công nhân là trách nhiệm của Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có tổ chức công đoàn. Về vấn đề này, Công đoàn xây dựng một chương trình lớn. Từ đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12-5-2017 phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Theo đó, bằng tiết kiệm chi thường xuyên, cùng với sự nỗ lực của Công đoàn Việt Nam, nhiều khu thiết chế công đoàn đã được xây dựng (như: Hà Nam, Tiền Giang, giai đoạn 2025 tại Bắc Ninh, Bến Tre, giai đoạn 2026 tại Hưng Yên, Bắc Giang, Đà Nẵng, Bình Phước, Long An, Bình Dương,...), qua đó từng bước đáp ứng nhu cầu về chỗ ở, sinh hoạt cho công nhân, người lao động.

Hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động được các cấp công đoàn đẩy mạnh nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và Tháng Công nhân hàng năm. Riêng năm 2024, có trên 10,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo Tết do Công đoàn tổ chức, với tổng số tiền hơn 7 nghìn tỉ đồng (tăng 28% về số người và 15% về kinh phí so với năm 2023).

Trước thiệt hại nặng nề về người và tài sản do cơn bão số 3 gây ra tại các tỉnh phía Bắc, các cấp công đoàn đã kịp thời đồng hành, chăm lo, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với đoàn viên, người lao động và nhân dân bị thiệt hại. Tính đến hết ngày 30.10.2024, các cấp công đoàn đã trực tiếp thăm hỏi và hỗ trợ 274 đoàn viên, người lao động bị thương, bị tử vong, có người thân bị thiệt mạng và 20.968 trường hợp bị sập, đổ nhà hoàn toàn hoặc nhà bị tốc mái, bị ngập lụt và hư hỏng tài sản, vật nuôi, hoa màu… với tổng số tiền gần 78 tỉ đồng.

Các cấp công đoàn đã vận động, quyên góp và chuyển về tài khoản của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hơn 1.128 tỉ đồng. Tổng LĐLĐVN đã ban hành Quyết định tặng sổ tiết kiệm “Công đoàn cùng con tiếp bước” cho con đoàn viên, người lao động bị tử vong do cơn bão số 3, thể hiện sự quan tâm lâu dài của tổ chức công đoàn đối với con đoàn viên, người lao động.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh dẫn đến nhiều người lao động chịu tác động tiêu cực về việc làm, giảm sút lớn tiền lương, thu nhập, các cấp công đoàn đã thực hiện chính sách hỗ trợ hơn 141,190 tỉ đồng góp phần đồng hành cùng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ kịp thời, giúp người lao động vượt qua khó khăn

Đặc biệt, Luật Nhà ở (sửa đổi năm 2013) quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê. Chương trình “Nhà ở mái ấm Công đoàn” đã được các cấp công đoàn tích cực thực hiện với nhiều phương thức hiệu quả, trở thành chương trình có ý nghĩa nhân văn to lớn (riêng trong giai đoạn 2013 - 2018 đã có hơn 18 nghìn gia đình đoàn viên nghèo được xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 382 tỷ đồng).

Đây chỉ là một số thành tựu trong bề dày thành tựu mà Công đoàn Việt Nam đã làm được vì công nhân, vì người lao động. Qua đó có thể khẳng định một sự thật rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang quyết tâm, Công đoàn Việt Nam đang nỗ lực để đổi mới một cách toàn diện với mục tiêu thực hiện tốt hơn việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của người lao động.

Bên cạnh những thành quả đạt được, tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng thẳng thắn thừa nhận hoạt động của công đoàn và phong trào công nhân vẫn còn một số hạn chế, bất cập đã được cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong bài phát biểu tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam “Về mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn có mặt chậm được đổi mới, chưa bắt kịp sự chuyển đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội và quan hệ lao động....” (5).

Hiện nay, tổ chức Công đoàn Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các giải pháp ngày càng hiệu quả để “Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, tổ chức Công đoàn và phong trào công nhân, lao động Việt Nam chắc chắn sẽ có bước phát triển mới, lập nên những thành tích to lớn và ấn tượng hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân với đất nước và dân tộc. Xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh” (6), qua đó là minh chứng, lời khẳng định mạnh mẽ trong đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, chống phá của thế lực thù địch.

------------

Tài liệu tham khảo

(1), (2), (3) https://lyluanchinhtri.vn/nhan-dien-phe-phan-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-ve-cong-doan-viet-nam.

(4) Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

(5), (6) Phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

Ths. Ngọ Tân Duy Cường

Viện Công nhân và Công đoàn

In
Về đầu
Lượt truy cập: