Công nhân thi công gói thầu XL02 của dự án cầu Rạch Miễu 2. Ảnh: Thành Nhân
Xa quê, lấy công trường làm nhà
Trên công trường dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua tỉnh Sóc Trăng có hàng trăm kỹ sư, công nhân đang hăng say làm việc. Điểm chung ở họ là những người con xa quê, lấy lán trại, công trình làm nhà, xem anh em công nhân như người thân. Mục tiêu duy nhất của họ là hoàn thành công việc, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn.
Ông Đào Bá Nghị - một trong những công nhân lớn tuổi nhất tại cầu số 22 - đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề xây dựng. Quê ở Hải Dương, ông đã quá quen với việc xa nhà mỗi dịp lễ, Tết.
“Công nhân xây dựng nay đây mai đó, nên khi vợ sinh hai con, tôi đều không ở cạnh. Hầu hết mọi việc trong nhà và chăm sóc con cái đều do vợ đảm đương. Xa nhà, không làm tròn trách nhiệm người chồng, người cha, nhưng vì công việc, tôi dặn lòng cố gắng vượt qua” - ông Nghị ngậm ngùi nói.
Ông Nghị cho hay, mỗi năm về thăm vợ con chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dịp lễ 30.4 tới đây, dù công ty cho nghỉ, nhưng vì khoảng cách địa lý xa xôi và công việc đang vào giai đoạn nước rút, ông đành gác lại niềm vui sum họp.
“Mặc dù không ở cạnh nhau, nhưng mỗi ngày tôi đều gọi điện thoại về cho gia đình, xem đó là niềm vui, sự động viên tinh thần khi phải xa cách nhau trong những dịp lễ, Tết” - ông Nghị chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thúy - một công nhân đang làm việc tại cầu số 22 là một trường hợp đặc biệt. Quê ở Cần Thơ, không có đất ruộng, nghề nghiệp ổn định, bà cùng con trai đến công trình cao tốc đầy nắng bụi để cột sắt, bẻ chì kiếm sống. Trung bình mỗi ngày, mẹ con bà cũng có thu nhập khoảng 500.000 đồng.
“Nghề này cực lắm, đang vào cao điểm mùa khô nên nắng gay gắt. Lúc mệt quá thì vào bụi cây hay lán trại nghỉ ngơi, khỏe thì lại ra làm tiếp. Công việc nào nặng nhọc thì có mấy anh em công nhân làm phụ. Từ khi có những công trình lớn về miền Tây mà gia đình chúng tôi có thêm thu nhập, mặc dù phải xa gia đình” - bà Thúy chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Lan - công nhân thi công cầu Đại Ngãi 2 nối huyện Cù Lao Dung với đất liền tỉnh Sóc Trăng - cũng có hoàn cảnh tương tự. Quê ở Thanh Hóa, bà tham gia nghề xây dựng đã hàng chục năm. Biết thông tin về công trình này từ đồng nghiệp, bà đã vào làm hơn 1 năm nay.
“Tôi vào đây có một mình thôi, ăn nghỉ trên công trình. Vào đây tôi làm dành dụm tiền gửi về cho chồng điều trị bệnh. Cầu dự kiến cuối tháng 4 xong rồi, tôi sẽ về quê thăm nhà rồi sau đó lại đi theo công trình khác” - bà Lan cho biết.
Trắng đêm trên công trường
Trên công trình dự án cầu Rạch Miễu 2, nhiều công nhân miệt mài thi công các hạng mục để kịp hợp long vào ngày 30.4.
Ông Đinh Hoàng Nam - một kỹ sư thi công tại đây - chia sẻ: “Có những đêm, chúng tôi phải thức trắng để đổ bêtông, đảm bảo chất lượng công trình không bị gián đoạn. Ai cũng thấm mệt, nhưng nghĩ đến niềm vui của bà con khi cây cầu hoàn thành, chúng tôi lại cố gắng”.
Anh Phạm Anh Tuấn - công nhân thi công khác - cho hay: “Có những ngày, chúng tôi phải lặn xuống dòng nước xiết để kiểm tra móng cầu hoặc treo mình trên độ cao hàng chục mét để lắp dầm, căng cáp. Đối với chúng tôi, mỗi cây cầu là một đứa con tinh thần, là niềm tự hào lớn”.
Theo anh Tuấn, bên cạnh đội ngũ kỹ sư, lực lượng công nhân cũng giữ vai trò không thể thiếu. Từ những người thợ hàn, thợ khoan cọc nhồi, tài xế xe cẩu đến lái máy ép cọc… tất cả đều là những mắt xích quan trọng trong guồng quay của công trình. Họ làm việc từ tinh mơ đến tối mịt, bất chấp cái nắng gay gắt hay những cơn mưa rào đặc trưng của miền Tây, âm thầm góp sức vào những bước chuyển mình mạnh mẽ của hạ tầng giao thông nơi đây.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-miet-mai-bam-tru-cong-truong-trong-diem-mien-tay-1486521.ldo