Thời sự
Cập nhật lúc 05:42 16/05/2025 (GMT+7)
Đề nghị kéo dài miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Đại biểu Quốc hội đề xuất kéo dài miễn, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, chiều 15.5, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Quốc hội họp tổ thảo luận nhiều nội dung trong chiều 15.5. Ảnh: Tô Thế
Quốc hội họp tổ thảo luận nhiều nội dung trong chiều 15.5. Ảnh: Tô Thế

Kéo dài miễn, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, các đại biểu đề xuất nhiều ý kiến nhằm để Nghị quyết đạt hiệu quả khi đi vào thực tiễn.

Tham gia đóng góp ý kiến tại tổ số 13, đại biểu Nguyễn Như So - ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đánh giá, dự thảo Nghị quyết đã bước đầu thể chế hóa nhiều chủ trương lớn, quan trọng được Đảng đề ra tại Nghị quyết số 68-NQ/TW.

Theo đại biểu, dự thảo cho thấy tư duy đổi mới trong hoạch định chính sách, với cách tiếp cận toàn diện, đồng bộ trên nhiều phương diện cốt lõi như đất đai, thuế, tín dụng, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính.

"Đây là bước đi rất đáng ghi nhận, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc tạo lập môi trường thuận lợi, bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển bền vững, lâu dài", đại biểu Nguyễn Như So nói.

Tuy nhiên, "để Nghị quyết thực sự có đầu ra sống, hiệu quả thiết thực" - đại biểu đề nghị xem xét lại một số nội dung.

Về chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đại biểu cho rằng thời gian quy định trong dự thảo Nghị quyết vẫn còn quá ngắn hạn, chưa đủ tạo đà phát triển cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (miễn thuế 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo).

Đại biểu đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% thuế phải nộp trong 5 năm kế tiếp.

Nhấn mạnh đến những khó khăn nội tại của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đại biểu phân tích rằng, nhóm này thường phải đầu tư lớn và kéo dài cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh, xây dựng công nghệ lõi, tuyển dụng và giữ chân nhân sự chất lượng cao.

Trong suốt quá trình đó, các doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ kéo dài, thậm chí không có lãi trong 5 đến 7 năm đầu hoạt động.

"Việc kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sẽ giúp tạo dư địa tài chính quan trọng, giúp doanh nghiệp dồn nguồn lực cho đầu tư và sáng tạo.

Đây cũng là một phương thức thể hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước trong nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững", đại biểu Nguyễn Như So cho hay.

Đại biểu Nguyễn Như So đề nghị kéo dài miễn, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh: Tô Thế
Đại biểu Nguyễn Như So đề nghị kéo dài miễn, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh: Tô Thế

Đại biểu cũng kiến nghị miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm đối với tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học đang làm việc tại các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Làm rõ khái niệm "ưu tiên" và "người yếu thế"

Cũng tại tổ số 13, đại biểu Lưu Văn Đức - ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đánh giá, việc thể chế hóa đầy đủ các nội dung Nghị quyết là cơ sở quan trọng để tháo gỡ rào cản, tạo không gian phát triển mạnh mẽ hơn cho khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng một số quy định trong dự thảo Nghị quyết còn chung chung, chưa cụ thể để áp dụng vào thực tiễn.

Trong đó, theo đại biểu, tại Điều 11 về ưu đãi lựa chọn nhà thầu, Nghị quyết đưa ra quy định "ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do người thuộc nhóm yếu thế làm chủ" nhưng chưa cụ thể.

Đại biểu đề nghị cần làm rõ khái niệm "người yếu thế" và chỉ nên ưu tiên cho những nhóm thực sự có khả năng tham gia hiệu quả, như phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, thanh niên khởi nghiệp, doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa.

Đại biểu Lưu Văn Đức. Ảnh: Tô Thế
Đại biểu Lưu Văn Đức phát biểu. Ảnh: Tô Thế

Khái niệm "ưu tiên" được nêu trong dự thảo Nghị quyết cũng chưa rõ ràng.

"Cần làm rõ ưu tiên ở tiêu chí nào, thủ tục áp dụng ra sao, cơ chế thực hiện như thế nào để tránh tình trạng quy định chung chung, khó thi hành trong thực tế", đại biểu Lưu Văn Đức đề nghị.

Liên quan đến trách nhiệm thực hiện, đại biểu đề nghị cần có quy định rõ ràng về việc xem xét trách nhiệm, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong quá trình triển khai chính sách. Nếu không làm rõ, Nghị quyết có thể tiếp tục gặp khó trong thực thi.

https://laodong.vn/thoi-su/de-nghi-keo-dai-mien-giam-thue-cho-doanh-nghiep-khoi-nghiep-1507342.ldo

Tô Thế (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: