Thời sự
Cập nhật lúc 09:11 11/05/2025 (GMT+7)
Phát hiện hàng loạt vụ sữa giả - minh chứng việc lơ là hậu kiểm

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc phát hiện hàng loạt vụ sữa giả vừa qua là minh chứng cho việc lơ là hậu kiểm.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 10.5, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT).

Theo báo cáo, sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật gồm: 5 Chương, 59 Điều (giảm 18 Điều, bổ sung 13 Điều so với dự thảo Chính phủ trình).

Ngay sau đó, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày dự thảo Luật. Ảnh: Quochoi
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày dự thảo Luật. Ảnh: Quochoi

Về nội dung công bố hợp quy được quy định trong dự thảo Luật (điều 48), theo ông Lê Quang Huy, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật đã bổ sung quy định theo nguyên tắc mỗi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình hoặc môi trường chỉ được điều chỉnh bởi một quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) thống nhất trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp được phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung quy định về trường hợp không phải công bố hợp quy. Quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng phải thực hiện đồng thời 2 thủ tục công bố hợp quy theo Luật TC&QCKT và yêu cầu, biện pháp quản lý tương ứng trong các luật chuyên ngành.

Công bố hợp quy được giải thích là việc tổ chức, cá nhân công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Liên quan đến nội dung trên, nhiều đại biểu đề nghị xem xét, bãi bỏ hẳn quy định này.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho rằng hàng loạt vụ sữa giả vừa qua là minh chứng cho việc lơ là công tác hậu kiểm. Ảnh: Quochoi
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho rằng, hàng loạt vụ sữa giả vừa qua là minh chứng cho việc lơ là công tác hậu kiểm. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau - cho rằng, không có quốc gia nào quy định người sản xuất kinh doanh công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra thị trường như Việt Nam.

Việc công bố hợp quy trong dự thảo Luật không có ý nghĩa trong quản lý, làm phát sinh chi phí, thủ tục hành chính, lãng phí thời gian của doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, việc công bố hợp quy còn trái với chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Khi các cơ quan chức năng chỉ tập trung vào kiểm soát thủ tục công bố hợp quy mà lơ là hậu kiểm thì người tiêu dùng phải chịu hậu quả, dễ bị đánh lừa bởi các chiêu trò quảng cáo.

"Công bố hợp quy có thể hiểu là người sản xuất bỏ chi phí đưa sản phẩm của mình đi xét nghiệm, nhưng chẳng có ý nghĩa gì nếu xét nghiệm một lần mà dùng cho mấy năm. Hàng loạt vụ sữa giả vừa qua là bài học, cũng là minh chứng cho việc lơ là trong hậu kiểm", đại biểu Nguyễn Duy Thanh nói.

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh - cũng đồng tình ý kiến bãi bỏ quy định công bố hợp quy và cho biết, khi đã có quá nhiều ý kiến phản ánh về những bất cập, phiền hà, lãng phí của quy định này thì cần nghiên cứu, tiếp thu.

Đại biểu cho hay, hiện nước ta có khoảng 20 hiệp hội đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp thành viên. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học để phân tích, đánh giá làm rõ tác động của quy định này đến hiệu quả quản lý. "Kết quả là họ có chung một kiến nghị bãi bỏ quy định về công bố hợp quy", đại biểu Vân nói.

Đại biểu Trần Thị Vân đóng góp ý kiến. Ảnh: Quochoi
Đại biểu Trần Thị Vân đóng góp ý kiến. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Vân cũng cho rằng, việc bãi bỏ hẳn quy định trên còn phù hợp trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh hoàn thiện thể chế chính sách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, tính cạnh tranh cao, đặc biệt là tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

"Quy định này chỉ là thủ tục mang tính hình thức, chồng chéo và không cần thiết. Việc các doanh nghiệp làm lại toàn bộ quy trình kiểm tra, lấy mẫu, đánh giá để công bố hợp quy chỉ nhằm xác nhận lại những gì đã được xác nhận trước đó là lãng phí.

Doanh nghiệp cũng hoàn toàn có thể đối phó bằng cách làm tốt để mang đi kiểm nghiệm, nhưng sản xuất đại trà lại không tốt. Từ đó tạo kẽ hở cho một số doanh nghiệp gian dối, đưa ra thị trường hàng hóa dưới chuẩn đã công bố và hàng giả, giống vụ 600 nhãn hiệu sữa giả vừa qua", đại biểu Trần Thị Vân nói.

Nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng đã có ý kiến về vấn đề trên để cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa để phù hợp với thực tiễn.

https://laodong.vn/thoi-su/phat-hien-hang-loat-vu-sua-gia-minh-chung-viec-lo-la-hau-kiem-1504457.ldo

Tô Thế (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: