Chương trình phúc lợi đoàn viên của tổ chức Công đoàn không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các ưu đãi mua hàng giảm giá mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác, trong đó có an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Theo TS. Nguyễn Anh Thơ, một môi trường làm việc an toàn và vệ sinh giúp giảm nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Các biện pháp như trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ, huấn luyện về ATLĐ và giám sát điều kiện làm việc đều góp phần bảo vệ sức khỏe của người lao động. Điều này không chỉ giúp người lao động làm việc hiệu quả hơn mà còn giảm bớt gánh nặng tài chính cho họ và gia đình họ nếu chẳng may xảy ra tai nạn.
|
LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng ký kết hợp tác với Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động về bảo đảm quyền lợi
và phúc lợi cho người lao động, nâng cao nhận thức về ATVSLĐ. Ảnh: ĐVCC. |
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo về ATVSLĐ do Công đoàn tổ chức giúp nâng cao nhận thức của người lao động về các rủi ro tiềm ẩn trong môi trường làm việc. Đồng thời, người lao động cũng được trang bị các kỹ năng cần thiết để ứng phó với các tình huống nguy hiểm, từ đó giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn.
Ngoài ra, việc công đoàn thường xuyên tiến hành kiểm tra và đánh giá môi trường làm việc để đảm bảo các tiêu chuẩn ATVSLĐ được tuân thủ không chỉ giúp người lao động cảm thấy an tâm và hài lòng hơn, mà còn tăng năng suất và chất lượng công việc.
Đặc biệt, công đoàn đóng vai trò là cầu nối giữa người lao động và chủ sử dụng lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ. Khi xảy ra tranh chấp liên quan đến ATLĐ, công đoàn có thể đại diện cho người lao động để đảm bảo rằng quyền lợi của họ được bảo vệ và các biện pháp khắc phục được thực hiện kịp thời.
Trong trường hợp người lao động gặp tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp, công đoàn có thể hỗ trợ về mặt tài chính và pháp lý. Điều này bao gồm việc đảm bảo người lao động nhận được bồi thường đầy đủ, hỗ trợ chi phí y tế và các dịch vụ tư vấn pháp lý nếu cần thiết.
Nhằm tăng cường công tác này, mới đây, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Sóc Trăng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động. Đây là một bước đi quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi và phúc lợi cho người lao động, nâng cao nhận thức về ATVSLĐ.
Để đảm bảo an toàn, người lao động rất cần kiến thức, kỹ năng và dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe và tiếp cận các sản phẩm an toàn.
Theo thỏa thuận hợp tác giữa LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng với Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, hai bên tăng cường phối hợp, hỗ trợ triển khai thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất của 2 cơ quan theo chương trình, kế hoạch công tác đã được phê duyệt và chỉ đạo của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Cụ thể:
Chia sẻ, trao đổi thông tin trong công tác nghiên cứu khoa học: Các bên cử đại diện tham gia các cuộc hội thảo, tọa đàm, tập huấn, Hội đồng khoa học do hai đơn vị tổ chức. Phối hợp trong việc viết bài tạp chí, sách, báo liên quan đến hoạt động khoa học của hai đơn vị, giới thiệu các chuyên gia, các nhà khoa học tùy theo từng lĩnh vực chuyên ngành của các bên. Chia sẻ về cơ sở vật chất, tài nguyên, tri thức, nguồn lực trong điều kiện cho phép của mỗi đơn vị và trên cơ sở quy định của pháp luật.
Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ về công nhân và công đoàn: Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu về xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến công nhân, lao động và Công đoàn như: Đối thoại, thương lượng về quan hệ lao động; tâm lý công nhân lao động; An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ); nhận thức của người lao động, văn hóa an toàn lao động trong công nhân lao động,...
Phối hợp trong công tác điều tra, khảo sát, lấy ý kiến người lao động để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Phối hợp tổ chức và thực hiện các khóa huấn luyện ATVSLĐ cho các đối tượng là Giảng viên huấn luyện ATVSLĐ, các nhóm lao động theo nghị định 44/2016/NĐ-CP và Nghị định số 140/2018/NĐ-CP. Phối hợp tổ chức và thực hiện khám bệnh định kỳ, bệnh nghề nghiệp cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Phối hợp triển khai các hoạt động đào tạo, hướng dẫn sản xuất, làm việc an toàn trong giai đoạn phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch. Xây dựng và triển khai các hoạt động liên quan đến Tháng Hành động về ATVSLĐ, Tháng Công nhân hàng năm; việc hỗ trợ vật chất và tinh thần cho công nhân lao động.
Phối hợp triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện tuân thủ các yêu cầu về chính sách pháp luật về ATVSLĐ và hệ thống quản lý ATVSLĐ theo hướng hội nhập quốc tế.
|
Hội nghị huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 do LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng và Viện Khoa học An toàn và
Vệ sinh lao động tổ chức. Ảnh: ĐVCC. |
Ngay sau Lễ ký kết chương trình phối hợp, hai bên đã tổ chức Hội nghị huấn luyện ATVSLĐ năm 2024. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng, Hội nghị nhằm trang bị cho cán bộ, đoàn viên, người lao động về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ để tham gia cùng người sử dụng lao động của doanh nghiệp xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch ATVSLĐ tại nơi làm việc được thiết thực, có hiệu quả; ngăn ngừa các sự cố, rủi ro, có thể dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người lao động và cơ sở, vật chất của doanh nghiệp.