PGS. TS. Nguyễn An Lương: Thực ra hiện nay chưa có một định nghĩa thống nhất về CĐS nhưng tựu trung lại đó là việc ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số mà chủ yếu là trên cơ sở phát triển của Internet, điện toán đám mây, dữ liệu lớn vào mọi hoạt động của quá trình quản lý, điều hành, của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân làm cho hoạt động của nó ngày càng hiệu quả, chất lượng hơn.
|
PGS.TS Nguyễn An Lương trao đổi với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn. Ảnh: Ngô Khiêm. |
Như vậy, có thể hiểu CĐS trong lĩnh vực ATVSLĐ sẽ giúp các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị có điều kiện và bảo vệ bảo vệ tốt hơn người lao động (NLĐ), giúp NLĐ được làm việc trong điều kiện môi trường an toàn hơn, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp sẽ giảm, năng suất lao động sẽ tăng cao. Khác với truyền thống, việc ứng dụng CĐS giúp quá trình bảo đảm an toàn diễn ra nhanh chóng, tiện lợi, hiệu quả, không mất nhiều sức người. Nên nhớ trong lĩnh vực ATVSLĐ, chỉ cần nhanh hơn trong một tích tắc là đã có thể cứu sống được nhiều mạng người.
Xã hội phát triển, công nghệ máy móc ngày càng hiện đại thì việc bảo đảm ATVSLĐ càng phải đặt lên trên hết, trước hết mà “chìa khóa” để dẫn đến đích nhanh nhất chính là ứng dụng CĐS. Nhưng theo quan sát và hiểu biết của tôi thì hiện nay việc ứng dụng CĐS trong lĩnh vực này còn diễn ra khá chậm, chưa đồng bộ.
Theo tôi, đầu tiên các nhà quản lý ở cơ quan, doanh nghiệp cần phải có nhận thức đầy đủ, sâu sắc rằng, không thể không áp dụng những vấn đề của kỹ thuật số trong lĩnh vực ATVSLĐ. Sau đó, phải nâng cao hiểu biết về CĐS và biến nhận thức ấy thành suy nghĩ, hành động cụ thể, thiết thực.
Mấu chốt của vấn đề là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, chủ doanh nghiệp phải có quyết tâm, có kế hoạch, biện pháp lâu dài và đầu tư kinh phí cho việc ứng dụng CĐS trong lĩnh vực này. Nhờ đó nhiệm vụ công tác của cơ quan, đơn vị, kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có chất lượng và hiệu quả hơn, cán bộ, nhân viên, NLĐ sẽ được an toàn, yên tâm công tác, sản xuất.
PV: Là người gần như dành trọn cuộc đời để làm công tác quản lý và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ATVSLĐ, ông có nghe thấy ở đâu hay đã tận mắt chứng kiến doanh nghiệp có ứng dụng CĐS trong lĩnh vực ATVSLĐ một cách mạnh mẽ, hiệu quả?
PGS. TS. Nguyễn An Lương: Tôi không có điều kiện theo dõi hết nhưng theo tôi, hiện nay vấn đề CĐS trong ATVSLĐ ở nước ta cho đến nay phát triển còn chậm, nhận thức và hiểu biết về CĐS trong lĩnh vực này của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn yếu; công tác thông tin, huấn luyện về lĩnh vực này chưa phát triển; những nội dung cụ thể về CĐS trong ATVSLĐ cũng chưa được thực hiện trong nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có một số đơn vị đã triển khai thực hiện CĐS trong ATVSLĐ, trong đó phải kể đến phần mềm “Giám sát an toàn” đã được Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đưa vào vận hành sau nhiều lần nâng cấp, hiệu chỉnh bổ sung các tính năng phù hợp; giúp tiết kiệm thời gian quản lý an toàn lao động từ xa cho các cấp quản lý.
Những tính năng quản lý bao gồm nhiều nội dung, thông số đã giúp cho đơn vị này theo dõi công việc hằng ngày trên lưới điện một cách kịp thời, hiệu quả.
Phần mềm “Giám sát an toàn” còn giúp phục vụ cho công tác huấn luyện, sinh hoạt kiểm điểm và phổ biến rút kinh nghiệm về các sự cố tai nạn lao động, từ đó nâng cao ý thức tự giác về việc chấp hành quy trình, quy định, ràng buộc trách nhiệm của người quản lý của cán bộ, kỹ sư an toàn và trực ban vận hành cũng như của NLĐ.
|
Kỹ sư an toàn EVNSPC cập nhật theo dõi kết quả kiểm tra lưới điện trên phần mềm PMIS. Ảnh: CTV |
Nhờ vậy, nhiệm vụ của cán bộ quản lý của đội ngũ làm công tác an toàn cũng nhanh hơn, kịp thời hơn, đỡ vất vả hơn trước đây, hiệu quả công việc cao hơn so với trước khi thực hiện CĐS.
Mong rằng trong thời gian tới, để phấn đấu thực hiện tốt các Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Chính phủ về chủ trương, chính sách, chương trình hành động về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 về CĐS, các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện CĐS nói chung và CĐS nói riêng trong lĩnh vực ATVSLĐ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác sản xuất kinh doanh trong giai đoạn mới.
PV: Tổ chức Công đoàn Việt Nam có trách nhiệm to lớn trong công tác ATVSLĐ, trong đó có vấn đề nghiên cứu khoa học công nghệ ATVSLĐ. Vậy theo ông, vai trò của công đoàn trong việc đẩy mạnh ứng dụng CĐS trong lĩnh vực này như thế nào?
PGS. TS. Nguyễn An Lương: Trên cơ sở 3 chức năng cơ bản đã được Hiến pháp và Điều lệ của Công đoàn Việt Nam xác định, tổ chức Công đoàn Việt Nam có vai trò và trách nhiệm to lớn trong công tác ATVSLĐ, từ việc tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, chế độ chính sách, tiêu chuẩn, quy định về ATVSLĐ, tham gia quản lý, thanh kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ cho đến việc tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về ATVSLĐ, vận động đông đảo cán bộ, công nhân, viên chức, NLĐ tham gia phong trào quần chúng làm tốt công tác ATVSLĐ.
Điều đặc thù là tổ chức Công đoàn Việt Nam đã được Chính phủ tin cậy giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ ATVSLĐ, quản lý Viện Quốc gia về khoa học ATVSLĐ, tổ chức đào tạo kỹ sư, cử nhân về ATVSLĐ. Vì vậy, theo tôi, Công đoàn Việt Nam càng có nhiệm vụ thúc đẩy thực hiện CĐS trong công tác ATVSLĐ, cần giao nhiệm vụ cho các ban, đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, đặc biệt là Ban Quan hệ lao động, Viện Khoa học ATVSLĐ, Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng…; nghiên cứu tham mưu cho Đoàn Chủ tịch đưa ra chương trình hành động toàn diện, cụ thể về CĐS trong ATVSLĐ và hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện tốt chương trình đó, góp phần xứng đáng vào kết quả thực hiện CĐS của nước ta.
PV: Ông đón nhận thông tin về những vụ tai nạn lao động (TNLĐ) liên tiếp xảy ra gần đây trong tâm trạng nào?
PGS. TS. Nguyễn An Lương: Tôi rất đau xót trước những vụ TNLĐ mới xảy ra trong một vài tháng qua, làm chết và bị thương nhiều người. Trong khi chờ thông báo chính thức của các đoàn điều tra TNLĐ, thông qua các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi rất bức xúc và rất suy nghĩ về nguyên nhân của các vụ TNLĐ đó. Để làm rõ hơn, tôi muốn nêu lên 3 vụ TNLĐ sau đây để phân tích sâu vào nguyên nhân mà tôi cho rằng, suy cho cùng là đều do con người (người quản lý và NLĐ) vi phạm các quy định về an toàn lao động gây ra.
|
Trải nghiệm AR tại Phòng Đào tạo, giám sát an toàn thông minh Trung tâm An toàn lao động thuộc Viện Khoa học ATVSLĐ. Ảnh: Văn Quân. |
Vụ TNLĐ xảy ra ngày 22/4/2024 tại Nhà máy Xi măng Yên Bái làm 7 người chết và 3 người bị thương trong khi đang sửa chữa máy nghiền số 3 thì máy đột ngột quay gây tai nạn. Lãnh đạo nhà máy thông tin sơ bộ ban đầu cho báo giới là “do bất cẩn trong quá trình đóng, mở điện”, “do sự cố động cơ điện máy nghiền”.
Ai cũng hiểu và phải biết rằng, đang sửa chữa thiết bị thì phải cắt hoàn toàn nguồn điện vào máy, thế mà lại có sự “bất cẩn” ở đây, còn động cơ “bị sự cố” ở đây được hiểu là có điện trở lại nên nó quay và làm máy nghiền quay. Động cơ không tự có điện, phải có ai đó tác động vào chứ! Vậy dù quanh co thế nào thì tóm lại cũng là do con người đã vi phạm quy định tác động vào làm máy quay gây tai nạn.
Vụ nổ nồi hơi xảy ra ở Công ty gỗ Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) làm 6 người chết, 5 người bị thương xảy ra vào hồi 8h10 ngày 1/5/2024. Ở đây ngày hôm trước do nồi hơi trục trặc kỹ thuật nên đơn vị cung cấp thiết bị đến sửa chữa và ngay sáng hôm sau cán bộ kỹ thuật công ty vào kiểm tra, vận hành thử thì nồi hơi nổ.
Vậy công ty đã nhận biên bản bàn giao kết quả sửa chữa hôm trước chưa mà ngay đầu giờ sáng hôm sau cán bộ kỹ thuật đã cho vận hành thử. Nếu đã bàn giao thì sửa chữa như vậy là không tốt, còn chưa bàn giao thì cán bộ kỹ thuật công ty đã vi phạm quy định!
Vụ TNLĐ do đứt cáp vận thăng tại công trình Trường Mầm non Đông Yên B (huyện Quốc Oai, Hà Nội) vào ngày 18/6/2024 làm 3 người chết, 7 người bị thương lại càng thể hiện rõ sự vi phạm nghiêm trọng của con người. Cáp vận thăng chở vật liệu lại đem chở người, còn hơn thế, có đến 10 người vào cáp đi từ tầng 3 xuống, quá trọng tải nên cáp đứt là lẽ đương nhiên.
Qua phân tích trên, dù chưa có kết luận chính thức của Đoàn điều tra TNLĐ, chúng ta đều thấy lỗi gây ra trước hết là do con người; do người quản lý không kiểm tra, giám sát, thiếu trách nhiệm, thậm chí có thể không tuân thủ luật pháp, quy định về ATVSLĐ; do NLĐ chưa hiểu biết đầy đủ hoặc do cố ý làm sai quy định về ATVSLĐ để gây ra TNLĐ.
ATVSLĐ là chính sách kinh tế-xã hội lớn của Đảng và Nhà nước ta, là nhiệm vụ quan trọng gắn liền với công tác, sản xuất kinh doanh của đơn vị mà mọi người, từ người quản lý, cán bộ công đoàn, cán bộ chuyên trách ATVSLĐ cho đến cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ phải hiểu biết, tôn trọng và thực hiện.
Chúng ta cần lấy biện pháp phòng ngừa là nhiệm vụ hàng đầu, chăm lo cải thiện điều kiện và môi trường lao động, phòng, chống TNLĐ, bệnh nghề nghiệp để bảo vệ con người trong công tác, lao động sản xuất - yếu tố năng động và quý giá nhất của lực lượng sản xuất, đưa kinh tế - xã hội của nước ta ngày càng phát triển.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!