Những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra liên tiếp đã cho thấy cán bộ công đoàn cần có tiếp tục nâng cao kiến thức về công tác an toàn, vệ sinh lao động để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng người lao động.
Câu chuyện của anh đã được Ban Giám khảo đánh giá cao. Bởi lẽ, anh đã thể hiện một góc nhìn sâu sắc từ những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trong cả nước.
|
10 cá nhân đoạt giải Khuyến khích của cuộc thi trực tuyến "CNVCLĐ tìm hiểu về công tác an toàn vệ sinh lao động". Ảnh: Thu Chinh |
"Thời gian vừa qua, đặc biệt trong thời điểm cuối tháng 4/2024, tháng 5/2024 - cao điểm Tháng Hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024, trong cả nước liên tục xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm dư luận bàng hoàng.
Các vụ tai nạn có thể kể đến như: Vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại Nhà máy xi măng Yên Bái làm 10 người thương vong; vụ nổ lò hơi tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh (Đồng Nai) làm 6 người tử vong, 5 người bị thương…
Những vụ việc thương tâm này là hồi chuông cảnh báo cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân về những lỗ hổng trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động" - anh Lê Anh dẫn ví dụ.
Theo anh Lê Anh, Nhà nước đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế vẫn là vấn đề nhức nhối cần được giải quyết. Một số vụ tai nạn lao động chết người đã được cơ quan chức năng chỉ rõ nguyên nhân, trong đó có những vi phạm thậm chí rất nghiêm trọng.
"Để cải thiện những lỗ hổng ấy, theo tôi cần tập trung những vấn đề sau: Đầu tiên phải tiếp tục nâng cao nhận thức của người lao động, nhất là công nhân lao động làm việc ở các vị trí nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thường xuyên tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, có hại.
Người lao động phải nắm được, hiểu được những quy trình, quy định, nội quy, quy chế đảm bảo an toàn, vệ sinh tại nơi mình làm việc. Khi người lao động tự nhận thức được ý nghĩa của quy định nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính bản thân thì họ mới tuân thủ nghiêm ngặt" - anh Lê Anh nhấn mạnh.
|
Anh Lê Anh (ngoài cùng, bên phải) và đồng nghiệp trực tiếp tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế về công tác kê khai thuế. Ảnh: NVCC |
Phân tích những nguyên nhân chủ quan, anh Lê Anh cho biết, đơn cử trong vụ tai nạn tại Nhà máy xi măng Yên Bái, người lao động đã không tuân thủ quy trình an toàn. Thêm vào đó, doanh nghiệp đã không xây dựng đầy đủ các phương án phòng ngừa tai nạn lao động và không ý thức đầy đủ việc xây dựng uy tín, thương hiệu của mình để thu hút đoàn viên, người lao động có tay nghề cao.
Thông qua các vụ tai nạn lao động, anh Lê Anh cho rằng, yếu tố quan trọng không thể thiếu là tổ chức Công đoàn, trước hết là đội ngũ cán bộ công đoàn cần tiếp tục củng cố kiến thức về công tác an toàn vệ sinh lao động.
Trước hết, cán bộ công đoàn phải nắm vững quy định để tuyên truyền, vận động, tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các tổ, đội, sản xuất. Tuy nhiên, để làm tốt công tác an toàn vệ sinh lao động thì mỗi cá nhân, tổ chức đều phải có trách nhiệm góp phần đưa những quy định vào cuộc sống.
Thông qua Cuộc thi, anh cũng đã hiểu thêm về tầm quan trọng của công tác này cũng như quyết tâm, nỗ lực của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong chăm lo, đại diện, bảo vệ người lao động. Với tư cách là một đoàn viên công đoàn, anh sẽ tích cực tuyên truyền, vận động gia đình và những người xung quanh luôn nâng cao ý thức đảm bảo an toàn trong cuộc sống cũng như công việc.
Đồng chí Nguyễn Quý Huấn - Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Sông Mã - Sốp Cộp chia sẻ, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan quản lý nhà nước và hành chính sự nghiệp thường có tâm lý chủ quan với công tác an toàn, vệ sinh lao động. Đặc biệt, quá trình di chuyển trên các địa hình đồi núi xa xôi còn tiềm ẩn nguy cơ trơn trượt, ngã... và các mối nguy hiểm khác khi thời tiết không thuận lợi.
Cuộc thi là hình thức tuyên truyền ý nghĩa trong việc nhắc nhở mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chủ động tìm hiểu kiến thức để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên ở quy mô toàn quốc vào năm 2024, thiết thực hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024, chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày Thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).
Bộ ngân hàng 138 câu hỏi tìm hiểu về rất nhiều khía cạnh của lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động từ quyền và trách nhiệm của đoàn viên, người lao động; công tác chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường… đúc rút từ 30 văn bản chỉ đạo của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam về công tác an toàn vệ sinh lao động. Đây là khối lượng kiến thức rất rộng, toàn diện về công tác này.
Đối với bài luận, Ban Giám khảo chấm theo tiêu chí mạch lạc, rõ ràng, chân thực, thuyết phục; thể hiện nhận thức đúng đắn, sâu sắc, toàn diện về vấn đề; có liên hệ thực tế một cách thuyết phục, chân thực.