Trang chủChuyên đềAn toàn vệ sinh lao động
An toàn vệ sinh lao động
Cập nhật lúc 11:13 24/07/2024 (GMT+7)
Các cấp công đoàn chủ động triển khai Chỉ thị 31 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác ATVSLĐ

Ngày 19 tháng 3 năm 2024, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 31). Để triển khai có hiệu quả Chỉ thị này, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Công văn số 1690/TLĐ-QHLĐ ngày 17/7/2024 yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn tập trung triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm sau đây:

1. Quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 31

Tổ chức chỉ đạo, quán triệt đầy đủ các nội dung của Chỉ thị số 31-CT/TW gắn với triển khai thực hiện khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam về đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động đến các cấp công đoàn, cán bộ công đoàn; vì mục tiêu bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện ATVSLĐ; góp phần chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe cho người lao động và phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và đất nước.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành công đoàn các cấp đối với công tác ATVSLĐ; xác định công tác ATVSLĐ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và đưa thành chỉ tiêu phấn đấu hàng năm để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực; cụ thể hóa Chỉ thị số 31-CT/TW thành các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trong các chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, ngành; có trọng tâm, trọng điểm và đi vào thực chất, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế, tránh hình thức; có sự phân công, phân cấp cụ thể và gắn với công tác kiểm tra, giám sát, rà soát, đánh giá việc thực hiện.

Các cấp công đoàn chủ động triển khai Chỉ thị 31 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác ATVSLĐ
Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: Huyền Vi.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về ATVSLĐ

Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động, người lao động, cán bộ, đoàn viên công đoàn về vai trò, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ từ đó nâng cao trách nhiệm, chủ động, tích cực trong việc thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; qua đó góp phần phát triển sản xuất kinh doanh bền vững của doanh nghiệp và xã hội.

Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ phù hợp với từng nhóm đối tượng lao động, quan tâm ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nguy cơ cơ cao; chú trọng tuyên truyền trực quan, giới thiệu, nhân rộng các mô hình làm tốt công tác ATVSLĐ; phổ biến phương pháp và kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến cán bộ công đoàn, người lao động. Tạo điều kiện, giúp đoàn đoàn viên, người lao động được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin về những vấn đề liên quan đến ATVSLĐ.

Đổi mới việc phát động và các hoạt động phong trào thi đua “Xanh – Sạch – Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” phù hợp với thực tiễn ở địa phương, ngành, cơ sở, thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia hưởng ứng; bảo đảm ATVSLĐ gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy thực hiện tăng trưởng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nâng cao hiệu quả, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, đoàn viên, người lao động trong Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ hằng năm.

Phát huy vai trò của công đoàn cơ sở trong vận động, tuyên truyền, xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc trong đoàn viên, người lao động. Đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ATVSLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại nơi làm việc.

Các cấp công đoàn chủ động triển khai Chỉ thị 31 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác ATVSLĐ
Đảm bảo công tác ATVSLĐ trên công trình cầu Mỹ Thuận 2. Ảnh: Hoàng Liên Phương

3. Tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ

Các cấp công đoàn chủ động hơn nữa, tăng cường phối hợp với các cơ quan, chức năng, người sử dụng lao động trong công tác ATVSLĐ; đẩy mạnh công tác giám sát của tổ chức Công đoàn và phối hợp kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, đặc biệt là các hoạt động: quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp; huấn luyện ATVSLĐ; kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiệm ngặt về ATVSLĐ.

Chú trọng, quan tâm, khuyến khích phát hiện vấn đề, tổng hợp các vướng mắc, bất cập, kiến nghị lên công đoàn cấp trên cơ sở và Tổng Liên đoàn.

Phối hợp với các ngành chức năng, người sử dụng lao động kịp thời phát hiện, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân, mô hình hay, cách làm hiệu quả và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất la các vi phạm để xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng về ATVSLĐ.

4. Kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ của hệ thống công đoàn và mạng lưới an toàn, vệ sinh viên

Tăng cường nguồn lực, nhất là tài chính cho công tác tuyên truyền và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn về ATVSLĐ.

Lựa chọn, bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ ở các cấp công đoàn được đào tạo chuyên ngành về ATVSLĐ hoặc chuyên ngành kỹ thuật, có kinh nghiệm, nhất là ở các lĩnh vực, doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, các địa phương có nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp, đông công nhân lao động.

Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động thành lập, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về ATVSLĐ và tạo cơ chế thuận lợi cũng như phụ cấp cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên hoạt động hiệu quả.

Các cấp công đoàn chủ động triển khai Chỉ thị 31 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác ATVSLĐ
Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân (đứng) tại một Hội thảo bàn về giải pháp thúc đẩy ATLĐ. Ảnh: ILO Việt Nam.

5. Đầy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về ATVSLĐ

Làm tốt công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phát hiện, chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời chế độ, chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc trên quan điểm lợi ích và an toàn, sức khỏe, tình mạng của người lao động.

Tập trung nghiên cứu vào điều kiện làm việc, các nguy cơ rủi ro ở các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; phát hiện bệnh nghề nghiệp, đánh giá, dự báo tác hại nghề nghiệp đến sức khỏe người lao động, các giải pháp phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe người lao động, các giải pháp bảo đảm ATVSLĐ và bảo vệ môi trường.

Chủ động nghiên cứu đề xuất bổ sung danh mục nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội.

Thực hiện tốt Chỉ thị số 31-CT/TW là nhiệm vụ chung của các cấp Công đoàn và là tiêu chí quan trọng để đánh giá thi đua hằng năm./.

HỒ THỊ KIM NGÂN - PHÓ TRƯỞNG BAN QUAN HỆ LAO ĐỘNG, TỔNG LĐLĐ VIỆT NAM

In
Về đầu
Lượt truy cập: