PV: Thưa đồng chí, Công đoàn Việt Nam đã cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới như thế nào?
Đồng chí Phan Văn Anh: Ngày 19/3/2024 vừa qua, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới, trong đó có nêu 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
|
Đồng chí Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi công nhân Đàm Văn Đội, Công ty Than Thống Nhất không may bị tai nạn lao động. Ảnh: Hà Anh.
|
Đồng thời yêu cầu cần phải phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, các cơ quan báo chí trong vận động, tuyên truyền, xây dựng văn hóa an toàn lao động trong hội viên, đoàn viên và nhân dân.
Để thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị số 31-CT/TW, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau: Trước hết, các cấp công đoàn cần quán triệt và nắm rõ tinh thần chung của Chỉ thị, đó là “Bảo đảm quyền của NLĐ được làm việc trong điều kiện ATVSLĐ và bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân”; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác ATVSLĐ, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh con người, góp phần phát triển bền vững doanh nghiệp và đất nước.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp công đoàn trong vận động, tuyên truyền, xây dựng văn hóa an toàn lao động trong đoàn viên và NLĐ; đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo đảm ATVSLĐ và điều kiện làm việc, gắn với việc cụ thể hóa khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành công đoàn các cấp đối với công tác ATVSLĐ; dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn và công tác kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả phong trào thi đua về ATVSLĐ, nhất là phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm ATVSLĐ”. Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của an toàn vệ sinh viên để an toàn vệ sinh viên trở thành nòng cốt trong hoạt động ATVSLĐ tại cơ sở.
Đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ hằng năm. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ về ATVSLĐ để cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ trong các doanh nghiệp; đề xuất bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội; đào tạo kỹ sư, thạc sĩ về ATVSLĐ để cung cấp nhân lực làm công tác ATVSLĐ cho hệ thống công đoàn, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp.
PV: Vậy thì đâu là điểm mới của Tháng Hành động về ATVSLĐ năm nay, thưa đồng chí?
Đồng chí Phan Văn Anh: Thực hiện Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tháng Hành động về ATVSLĐ hằng năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả tổ chức Tháng Hành động về ATVSLĐ năm trước, Ban chỉ đạo Tháng Hành động về ATVSLĐ Trung ương xây dựng Kế hoạch triển khai Tháng Hành động về ATVSLĐ vào tháng 5 hằng năm với một chủ đề và các hoạt động khác nhau để phù hợp với tình hình thực tiễn.
|
Đồng chí Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Công đoàn Hà Tĩnh.
|
Năm nay, chủ đề của Tháng Hành động về ATVSLĐ là “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Đây là chủ đề khá mới với thông điệp là trong bối cảnh hiện nay, sản phẩm của đơn vị này có thể là đầu vào của đơn vị khác; các đơn vị, doanh nghiệp không chỉ hoạt động độc lập mà có mối quan hệ lẫn nhau trong cả chuỗi cung ứng, nhất là đối với các hàng hóa xuất khẩu.
Việc thúc đẩy, nâng cao ý thức trách nhiệm về ATVSLĐ cần tiếp cận với nâng cao trách nhiệm xã hội của người tiêu dùng, khách hàng và toàn bộ doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Ngoài các hoạt động duy trì giống các năm trước, như: Tổ chức tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Tháng Hành động về ATVSLĐ; chia sẻ các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác ATVSLĐ; phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân; thăm hỏi các gia đình, nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra, giám sát về ATVSLĐ...
Tổng LĐLĐ Việt Nam còn phát động Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về ATVSLĐ trong toàn quốc; tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên đề về vấn đề an toàn và sức khỏe NLĐ cấp Trung ương; tại các địa phương, ngành thì căn cứ vào điều kiện thực tế sẽ có các kế hoạch hành động riêng để chăm lo và đảm bảo tốt hơn quyền lợi của đoàn viên, NLĐ.
PV: Để hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ đạt hiệu quả cao nhất, theo đồng chí, các cấp công đoàn, nhất là khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất cần phải làm gì?
|
Đồng chí Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trao quà Tết cho lao động khó khăn tại Bình Dương. Ảnh: Công đoàn Bình Dương.
|
Đồng chí Phan Văn Anh: Các cấp công đoàn nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, tập trung đông CNLĐ trực tiếp sản xuất cần phải có nhiều hoạt động thiết thực hơn và phải làm tốt hơn công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ sức khỏe, ATVSLĐ cho NLĐ.
Các cấp ủy, chuyên môn, doanh nghiệp, NLĐ phải coi ATVSLĐ là hoạt động thường xuyên, liên tục, không được lơ là, trong đó các hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ là đợt cao điểm về truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của doanh nghiệp.
Để Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2024 đạt hiệu quả cao nhất, các cấp công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với chuyên môn, lãnh đạo doanh nghiệp và các cơ quan chức năng trong các hoạt động sau đây: Thúc đẩy các hoạt động thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ đến các doanh nghiệp, đoàn viên, NLĐ với nhiều hình thức đa dạng, dễ hiểu, lan tỏa đến nhiều NLĐ.
|
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương tặng quà cho người lao động khó khăn tại lễ phát động Tháng Hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024. Ảnh: Hà Anh - Báo Hải Dương.
|
Tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn với các gia đình, nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ cho cán bộ công đoàn cơ sở, an toàn vệ sinh viên ở các doanh nghiệp.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, trọng tâm là công tác huấn luyện ATVSLĐ; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho đoàn viên, NLĐ; tổ chức quan trắc môi trường lao động; tổ chức hội nghị NLĐ; tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật; tổ chức rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn; tổ chức tự kiểm tra, đánh giá nguy cơ rủi ro tại nơi làm việc.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!